Quyết liệt xử lý tình trạng săn bắt chim hoang dã - Bài 2: Triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục và xử lý nghiêm vi phạm

20:29, 18/03/2024

Bài 1: Gia tăng hình thức săn, bắt trái phép chim hoang dã

Nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người, động vật, UBND tỉnh, ngành chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng săn, bắt chim hoang dã trái phép trên địa bàn.

 

Bài 2: Triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục và xử lý nghiêm vi phạm

 

Lực lượng Kiểm lâm Nam Định phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy thả chim hoang dã bị săn bắt trái phép về môi trường tự nhiên.
Lực lượng Kiểm lâm Nam Định phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy thả chim hoang dã bị săn bắt trái phép về môi trường tự nhiên.

Chưa có số liệu thống kê chính xác số lượng chim trời mỗi năm bị bắt, bẫy trên địa bàn tỉnh ta là bao nhiêu cá thể, nhưng có lẽ là một con số không nhỏ. Những người đặt bẫy, săn bắt chim hoang dã nhận thức được việc họ làm là vi phạm pháp luật nên thường thực hiện lén lút, vụng trộm. Người đến thu mua cũng vậy, họ thường ngụy trang che giấu khá kỹ và không đi đường lớn mà đi theo các bến khách ngang sông từ các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình sang, sau đó cắt qua các trục đường liên xã để không bị phát hiện. Thậm chí, để tránh sự kiểm soát gắt gao của lực lượng Kiểm lâm, họ không mua bán, vận chuyển sản phẩm sống mà sơ chế vặt lông, cấp đông, đóng thùng xốp ngụy trang như người mua bán, vận chuyển hải sản nên không dễ phát hiện…

Theo Chi cục Kiểm lâm Nam Định cho biết, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã bắt giữ 5 vụ việc bắt, bẫy chim hoang dã tại các huyện ven biển, chủ yếu là các địa phương có nhiều đầm bãi nuôi trồng thủy sản, có rừng ngập mặn, nhất là ở các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy); thu giữ hơn 20 nghìn mét lưới, hàng trăm loa, đài, tăng âm, bình ắc-quy, thẻ nhớ USB… Tuy nhiên đây mới chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN và PTNT) Mai Quang Tuấn cho biết: Trước thực trạng người dân tự phát bẫy bắt chim trời, chim di trú có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng gồm: Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường các biện pháp để xử lý, ngăn chặn triệt để, bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có những loài chim di cư để đảm bảo đa dạng sinh học. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam, ngày 6-6-2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 384/UBND-VP3 gửi các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp theo dõi, phát hiện các bệnh dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi để kiểm soát, quản lý hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Nam Định đã ban hành Văn bản số 178/CCKL-QLBV&PTR, giao cho các Hạt Kiểm lâm trực thuộc xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp với chính quyền các huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắt, bẫy, bắn, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã, di cư. Tập trung kiểm soát, ngăn chặn triệt để hành vi vận chuyển bán chim hoang dã bẫy, bắt trái phép cơ động bằng xe máy trên các tuyến đường. Thực thi nghiêm các quy định bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải (Giao Thủy) Đỗ Huy Thông chia sẻ: “Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp đặt bẫy, săn, bắt chim hoang dã trái phép, chúng tôi đã lên kế hoạch, tổ chức nhiều cuộc mật phục vào khoảng 3-4 giờ sáng để phát hiện, xử lý các đối tượng bẫy, bắt chim trời trái phép, không để các trường hợp vi phạm kịp trở tay, xóa dấu vết, tẩu tán tang vật vi phạm. Đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết và giám sát việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm”.

Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Mai Quang Tuấn cho biết thêm, ngoài những giải pháp cấp bách trước mắt như trên, thì giải pháp căn cơ, lâu dài là việc bảo vệ môi trường sống, ngôi nhà tự nhiên để chim hoang dã có không gian, điều kiện phát triển, thu hút các loài chim di trú tìm về theo mùa. Cụ thể, tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, cần định rõ các khái niệm “bảo tồn” đa dạng sinh học và khai thác, phát triển kinh tế du lịch bên trong phạm vi Vườn. Không thể phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng khu dịch vụ ăn nghỉ cho du khách tại vùng bảo tồn đa dạng sinh học, như thế là cạnh tranh môi trường sống của các loài chim di cư. Theo đặc tính bản năng, chim hoang dã luôn tránh xa những khu vực có con người xuất hiện.

Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, giáo dục cho người dân về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng; in ấn và cấp phát tờ rơi cho người dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chim hoang dã; đưa vào trong quy ước của cộng đồng dân cư, hương ước làng, xã để có tính răn đe, giám sát từ cộng đồng, cơ sở… Đặc biệt, cần thay đổi từ nhận thức của người dân không thực hiện hành vi săn bắt, bẫy, bắn, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm từ chim hoang dã là cách làm hiệu quả, bền vững nhất; xây dựng một kênh thông tin từ người dân tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng, nhất là các cơ quan thừa hành pháp luật như Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng… tích cực vào cuộc quyết liệt để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển các khu sinh thái tự nhiên như Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu rừng ngập mặn cần coi trọng hơn nữa việc bảo tồn hệ sinh thái đa dạng sinh học để tạo sinh cảnh, môi trường sống tự nhiên, bền vững… để trở thành nơi trú ngụ và thực sự là “nhà” của các loài chim hoang dã, chim di cư. Cần có sự liên kết, phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia, coi nhiệm vụ bảo vệ chim di trú là nhiệm vụ chung… Như vậy mới có thể giữ gìn, bảo tồn được sự đa dạng sinh học và giống loài của chúng.

Hy vọng với các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt, thực chất của các ngành chức năng, đặc biệt là vai trò của lực lượng Kiểm lâm, tình trạng săn, bắt chim hoang dã trái phép sẽ không còn tái diễn, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống của con người.

Theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), các loài chim trời đều được coi là động vật hoang dã; người kinh doanh mặt hàng này phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân). 

Các hành vi vi phạm săn bắt chim hoang dã phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234; tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com