Thời điểm cuối năm, nhu cầu hoa quả nhập khẩu của người dân tăng cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhiều thương lái, chủ buôn hoa quả đã nhập hàng về để cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, chất lượng trái cây cùng sự “nhập nhèm” về nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Một cửa hàng hoa quả nhập khẩu có uy tín trên thị trường ở đường Quang Trung (thành phố Nam Định). |
Trước đây, hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Úc hay Hàn Quốc… rất khó tìm mua và giá cả khá đắt, chủ yếu dành cho những người thu nhập cao có nhu cầu sử dụng hay biếu tặng. Hoa quả ngoại phần lớn được bán tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nhập khẩu, trung tâm thương mại với mức giá “tiền triệu”. Thế nhưng hiện nay, hoa quả gắn mác nhập khẩu lại được bày bán “bình dân” ở các cửa hàng, chợ dân sinh, chợ tạm và qua mạng xã hội, “chợ online”. Chị Thanh Hoa, ở đường Hàng Cau (thành phố Nam Định) cho biết: “Trước đây tôi thường vào các cửa hàng hoa quả nhập khẩu để mua biếu người thân, đối tác hoặc bày biện trong các dịp cúng giỗ, lễ, tết vì hoa quả nhập khẩu thường có hình dáng đẹp, bóng bẩy, nhìn “sang” hơn, giá cả cũng cao hơn nên tôi nghĩ chất lượng sẽ tốt hơn các loại hoa quả thông thường. Gần đây, tôi thỉnh thoảng chọn mua hàng bán trên chợ online và dân sinh bên ngoài bởi giá cả “mềm” và thấy về chất lượng, mẫu mã một số loại quả không chênh nhau nhiều so với các cửa hàng lớn”.
Trên địa bàn thành phố Nam Định và các thị trấn ở các huyện, các cửa hàng hoa quả sạch, hoa quả nhập khẩu được bày bán rất nhiều. Theo khảo sát, hầu hết người bán hàng đều khẳng định các sản phẩm hoa quả mình bán là hàng Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan... Tuy nhiên, thực tế thì người tiêu dùng vẫn không thể phân biệt được xuất xứ của từng loại quả bởi mẫu mã không khác nhau là mấy. Lê Hàn Quốc - một trong những loại quả bị “nhái” nhiều nhất hiện nay. Theo chia sẻ của một số người kinh doanh hoa quả nhập khẩu lâu năm, khác với loại lê được nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam, loại lê “nhái” cho dù giống lê Hàn Quốc về ngoại hình, nhưng lại được trồng và thu hoạch tại Trung Quốc. Những trái lê Trung Quốc vận chuyển sang Việt Nam bằng xe tải nên thuận tiện và có số lượng nhiều hơn hẳn sản lượng lê nhập qua đường hàng không tại Hàn Quốc và giá cả cũng rẻ hơn nhiều. Chị Mai Anh ở đường Phù Nghĩa cho biết: “Hôm trước nhà có việc nên con dâu tôi mua một khay lê Hàn Quốc với giá 190 nghìn đồng/kg, nhưng khi gọt vỏ tôi thấy vỏ dày và ăn không được mềm ngọt nên hôm sau tôi ra chợ gần nhà hỏi mua quả lê tương tự như vậy chỉ có giá 45 nghìn đồng/kg. Thấy có sự chênh giá nhiều ở cùng một loại quả nên tôi có hỏi một người bạn bán hàng hoa quả nhập khẩu thì được biết hiện nay loại quả này đang được “tráo trộn” rất nhiều. Vì vậy người tiêu dùng khi mua hàng nên quét mã QR code trên mỗi quả lê. Nếu quả nào mà không có mã quét hoặc quét không ra thông tin của đơn vị xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất thì không phải là lê Hàn Quốc. Thường những loại lê nhái Hàn Quốc sẽ chỉ có chữ bằng tiếng Hàn mà không có mã như trên”. Không chỉ có quả lê, nho, táo Mỹ, New Zealand, lựu đỏ Peru, Ấn Độ cũng được bày bán rất nhiều mà nguồn gốc xuất xứ chỉ có chủ cửa hàng mới biết. Theo một chủ cửa hàng kinh doanh hoa quả tương đối lớn trên địa bàn thành phố Nam Định, các cửa hàng bên ngoài đa phần là nho không rõ nguồn gốc. Chỉ có bao bì na ná giống nho Mỹ. Khi nhập hàng, người bán tự mua bao bì, nhãn mác sản phẩm rồi tự đóng gói thành hoa quả xịn. Trong khi về giá, nho Mỹ không bao giờ có giá dưới 200 nghìn đồng/kg như nhiều loại nho đang bán nhiều trên thị trường. Bằng cảm quan, quả nho Mỹ chắc tay, khi bổ đôi quả thấy phần thịt có màu đậm, càng gần hạt thì màu nhạt hơn và nho không rõ nguồn gốc thì ngược lại. Tuy nhiên rất ít người tiêu dùng biết phân biệt các loại quả nhập khẩu từ Mỹ, Úc… với các loại quả có nguồn gốc nhập khẩu khác bởi hiện nay để tạo thêm lòng tin từ người mua, rất nhiều cửa hàng dán các loại tem truy xuất nguồn gốc trái cây thông dụng như táo, cam, kiwi, dưa... Thế nhưng, chính các tiểu thương lại rất mù mờ, không biết kiểm tra các mã vạch, truy xuất nguồn gốc trái cây bằng cách nào. Trong khi nhiều nguồn hàng hoa quả không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, không rõ chất lượng, là hàng hóa nhập lậu.
Bên cạnh các cửa hàng hoa quả nhập khẩu, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hiện nay hoa quả cũng được bán khá nhiều trên thị trường online, với mác hoa quả ngoại “xịn”, hoa quả nhập khẩu từ các nước và được chào bán với giá rẻ giật mình. Trên nhóm facebook hoa quả nhập khẩu, giá nho xanh Mỹ giá chỉ từ 140 nghìn đồng/kg; táo New Zealand với giá 40-50 nghìn đồng/kg. Mẫu mã của các loại hoa quả nhập khẩu này không khác gì các loại được bày bán trong các cửa hàng, siêu thị có giá cao gấp nhiều lần. Chị Thanh Thủy, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết, gia đình chị rất thích ăn hoa quả, nhất là các loại hoa quả được nhập từ nước ngoài như cam, táo nên chị hay ra siêu thị gần nhà để mua. Nhưng có lần bận việc, chị thấy trên facebook của người quen có bán táo Envy với mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn. Chủ hàng lại cam kết 100% hàng ngoại nhập khẩu, đảm bảo chất lượng nên chị đã mua. Khi ăn, táo có vị chua và bở chứ không thơm, giòn. Rút kinh nghiệm, kể từ lần đó chị từ bỏ luôn ý định mua hoa quả không rõ nguồn gốc. So với hoa quả nhập khẩu chính ngạch, có đầy đủ giấy tờ về kiểm soát chất lượng, thì hoa quả không rõ nguồn gốc còn có nguy cơ được bảo quản bằng hóa chất cấm có hại cho sức khỏe con người. Trái cây sau khi được bảo quản bằng những hóa chất này thì quá trình lão hóa sẽ chậm lại, giúp trái cây tươi lâu, giữ nguyên vẻ ngoài bóng mượt, nịnh mắt người mua hàng. Hơn nữa, việc phân biệt trái cây nhập khẩu tự nhiên với những loại được bảo quản bằng hóa chất rất khó. Theo các chuyên gia, các biện pháp để phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì những loại hóa chất này theo thời gian đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Hiện nay thị trường trái cây nhập khẩu còn khá nhiều bất cập, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” bởi tình trạng hoa quả nhập khẩu được bày bán tràn lan, nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ khó có thể phân biệt được thật, giả nếu chỉ qua quan sát thông thường. Cùng một chủng loại, xuất xứ, kích cỡ nhưng giá bán tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ... chênh lệch nhau từ hàng chục, thậm chí nhiều lúc lên đến cả trăm nghìn đồng. Người tiêu dùng băn khoăn có bao nhiêu phần trăm lượng trái cây đang lưu thông trên thị trường bán đúng nguồn gốc, xuất xứ. Trước khi chờ ngành chức năng tăng cường các biện pháp trong việc kiểm soát chặt chẽ mặt hàng hoa quả nhập khẩu; có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, sử dụng chất bảo quản, các lô hàng không rõ xuất xứ có hóa chất độc hại, để tránh mua phải trái cây kém chất lượng, người tiêu dùng cần tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối để mua hoa quả bảo đảm chất lượng, chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin