Nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp, phát động phong trào trồng rừng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Nam Định tuần tra, kiểm soát rừng ngập mặn khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Nam Định có hơn 3.000ha rừng phòng hộ và đặc dụng, trong đó chủ yếu là hệ sinh thái rừng ngập mặn với cây trồng chính là cây trang (vẹt), sú, bần… và một phần diện tích trên đất đồi, gò trồng thông, keo, bạch đàn. Diện tích rừng của tỉnh tuy không lớn nhưng có vị trí và vai trò quan trọng đối với các mặt đời sống xã hội. Trong đó, tác dụng lớn nhất là rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; là nhân tố cơ bản để bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các khu tham quan nghỉ dưỡng ven biển, an ninh quốc phòng, thúc đẩy ngành kinh tế du lịch tỉnh phát triển... Để duy trì và bảo vệ rừng phòng hộ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực thực hiện Kế hoạch số 117/KH-UBND của UBND tỉnh về Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch 139/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tỉnh Nam Định”.
Các tình nguyện viên tham gia trồng rừng phòng hộ khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Là địa phương có Vườn quốc gia Xuân Thủy, UBND huyện Giao Thủy đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tích cực phát động phong trào trồng cây gây rừng, đặc biệt là việc trồng rừng phòng hộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Thực tế, rừng trồng ven biển đã mang lại tác dụng thiết thực bảo vệ đê biển, tuy nhiên sau mỗi trận bão đi qua cũng kéo theo nhiều diện tích rừng bị suy giảm. Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, UBND huyện đã giao Phòng NN và PTNT tham mưu và phối hợp triển khai kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, trong đó tập trung phát triển rừng ven biển; thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; vận động nhân dân lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phá rừng, khai thác rừng trái phép và phá hoại cây xanh. Tập trung huy động nguồn vốn từ xã hội hóa và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đặc biệt, năm 2023, hưởng ứng phong trào trồng “1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh”, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện chương trình trồng 130 nghìn cây xanh tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Thông qua đó nâng cao nhận thức trong toàn dân về lợi ích của việc trồng cây, tạo phong trào trồng cây sâu rộng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhân dân xã Giao Thiện (Giao Thủy) tham gia trồng rừng ngập mặn khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy. |
Đồng chí Mai Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nam Định (Sở NN và PTNT) cho biết: Với nhiệm vụ được giao, Hàng năm, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh tổ chức phát động tết trồng cây mùa xuân hàng năm gắn với phong trào trồng cây phân tán, trồng rừng phòng hộ ven biển và rừng đặc dụng. Chi cục Kiểm lâm đã thường xuyên chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên các lĩnh vực: tuần tra, kiểm tra nắm bắt tình hình rừng và đất rừng, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Thường xuyên tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Xây, đặt các biển báo, mốc giới, lập hồ sơ, bản đồ phục vụ quản lý, bảo vệ rừng. Duy trì công tác kiểm soát buôn bán lâm sản, động vật quý hiếm, trấn áp lâm tặc, giữ nghiêm kỷ cương, xử lý đúng người đúng tội, đúng luật, tịch thu hàng trăm m3 gỗ quý hiếm, hàng nghìn kg động vật hoang dã, góp phần cùng các tỉnh bạn bảo vệ rừng tận gốc. Không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm tham mưu và theo dõi thực hiện tốt kế hoạch trồng, chăm sóc rừng hàng năm.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những hậu quả khó lường, công tác phát triển rừng để giảm thiểu rủi ro do thiên tai cho cư dân sống ven biển, vừa bảo tồn giá trị đa dạng sinh học cần được đặc biệt quan tâm. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1,1 triệu cây phân tán các loại tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, đường ra đồng, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu, cụm công nghiệp, khu xử lý rác thải tập trung kết hợp phòng hộ trong khu đất canh tác nông nghiệp chưa sử dụng. Cùng với đó, diện tích trồng rừng mới phải đạt 19ha; trồng bổ sung, phục hồi 162ha rừng tại 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy… Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, công tác trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác động của thiên tai và ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin