Người thợ đúc đồng tài hoa

07:38, 07/07/2023

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20km, làng nghề đúc đồng Tống Xá, nay thuộc thị trấn Lâm (Ý Yên) được coi là một trong những “cái nôi” của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển trên 900 năm. Từ bề dày của làng nghề đã lắng tụ và bồi đắp nên những thế hệ nghệ nhân, thợ đúc đồng tài hoa chế tác ra nhiều tượng đài anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các công trình đồ sộ, hoành tráng. Một trong những nghệ nhân được giới nghề đánh giá cao là nghệ nhân đúc đồng cấp quốc gia Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đúc Đại Nam, Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Lâm.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đúc Đại Nam, Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Lâm (Ý Yên) hướng dẫn thợ hoàn thiện một sản phẩm đúc tượng truyền thần.
Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đúc Đại Nam, Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Lâm (Ý Yên) hướng dẫn thợ hoàn thiện một sản phẩm đúc tượng truyền thần.

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề Tống Xá, ngay từ nhỏ, anh Nam đã quen thuộc với nhịp làm việc của những người thợ đúc đồng; với những công đoạn như: tạo mẫu, làm khuôn, nấu và rót đồng, làm nguội, chạm khắc và lên màu cho sản phẩm. Anh Nam cho biết: “Tôi cảm nhận được những giọt mồ hôi, tâm huyết, sự vất vả, niềm đam mê, tình yêu nghề của những thợ đúc đồng cần mẫn. Chính vì vậy, tôi thêm trân trọng, yêu quý, muốn gắn bó và phát triển nghề truyền thống của quê hương”. Mở xưởng đúc từ năm 1991 nhưng mãi đến năm 1994, anh Nam mới chính thức bắt tay vào đúc các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ. Với sự năng động, sáng tạo cộng với đôi bàn tay khéo léo, anh nhanh chóng mở rộng được nhà xưởng, kết nối thị trường, bạn hàng. Hàng năm, từ xưởng sản xuất của anh đã xuất đi hàng nghìn sản phẩm đồ đồng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Năm 2012, khi sản xuất ổn định, anh Nam quyết định thành lập Công ty TNHH Đúc Đại Nam. Bằng uy tín, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng là các công trình đúc tượng đồng lớn như: tượng 14 vị Vua nhà Trần; tượng đài Thánh Gióng, nặng 85 tấn đặt tại núi đá Chồng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); tượng đài Hòa Bình, cao 8m đặt tại công viên Hòa Bình, nam Thăng Long (Hà Nội); Công ty của anh Nam hiện tạo việc làm thường xuyên cho 30-40 người với mức lương từ 8-20 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn tập hợp được đội ngũ thợ lành nghề, trong đó, có những người đã trở thành những nghệ nhân với danh hiệu “Bàn tay vàng”. 

Đặc biệt, như nhiều người thợ tài hoa làng nghề, ngay từ khi mới khởi nghiệp, anh Nam đã tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, từ đó mong muốn đúc được những bức tượng đẹp về Người. Khoảng chục năm trở lại đây, anh Nam tập trung nhiều hơn vào mảng đúc tượng truyền thần, trong đó đúc hàng nghìn bức tượng Bác Hồ. Để đúc tượng Bác, anh kỳ công mời các nhà điêu khắc có tiếng trong huyện như Minh Đỉnh, Phan Thanh Trường về tạo hình. Đầu tiên, anh Nam cùng những người thợ phải tạo mẫu cho sản phẩm. Sau đó, anh dùng đất sét được lấy ở cánh đồng làng đắp mẫu. Sau khi đắp mẫu xong, anh tiếp tục chỉnh sửa tỉ mỉ từng đường nét cho hoàn thiện, đến khi đạt được yêu cầu mới tiến hành làm khuôn thạch cao âm bản, chỉnh sửa rồi mới đổ ra khuôn thạch cao. Công đoạn tiếp theo là tạo khuôn cho sản phẩm. Anh Nam và những người thợ sẽ dùng đất, trấu và giấy gió làm khuôn bản âm cho sản phẩm. Sau đó dùng đất bùn kết hợp với trấu và bột chịu nhiệt để làm cốt (giáp phao) bên trong; khi làm xong đem khuôn nung chín ở nhiệt độ khoảng 700 độ C rồi để nguội. Chỉnh sửa lại khuôn sản phẩm, anh Nam lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt nung khuôn lại một lần nữa, cuối cùng sẽ ghép khuôn thành một khối để ra khuôn của sản phẩm. Làm khuôn xong, anh bắt tay ngay vào nhóm lò nấu đồng. Những người thợ to lớn, khỏe mạnh sẽ được anh lựa chọn để đảm nhiệm công việc nấu đồng. Đồng thường nóng chảy ở nhiệt độ 1.200 độ C, sau khi đồng chảy hết, anh Nam pha những phụ liệu cần thiết theo tỷ lệ thiếc, chì, kẽm đúng với yêu cầu, tăng nhiệt độ và tiếp tục cho nguyên liệu nóng chảy rồi mới rót vào khuôn sản phẩm. Trước đó, anh nung khuôn sao cho nóng đều, đủ nhiệt độ để đảm bảo cho khuôn chịu được nhiệt khi đồng chảy vào khuôn. Cũng theo anh Nam, đây chính là công đoạn khó nhất trong cả quy trình nấu đồng. Vì thế, anh thường “đứng chính” để làm công đoạn này. Quá trình nấu đồng, tùy theo kích thước sản phẩm cần đúc mà anh xây các lò to, nhỏ khác nhau. Kể cả sản phẩm cần đúc lớn thế nào, người thợ cũng chỉ được đổ lượng đồng trong một lần để giúp sản phẩm được liền khối. Cuối cùng, đợi khuôn nguội, anh dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục và tạc theo đúng mẫu.

Đúc tượng đồng đã khó, theo anh Nam đúc tượng Bác còn có những yêu cầu khắt khe hơn. “Để đúc được một bức tượng Bác Hồ đẹp, đạt chuẩn, trước hết đòi hỏi người thợ phải am hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, “thần thái” của vị lãnh tụ vĩ đại. Đó là vầng trán cao của Người, là đôi mắt sáng, tràn đầy tình yêu thương với cuộc sống, là nụ cười nhân hậu, bao dung… Muốn khắc họa được hết những điều đó, tôi nghĩ, ngoài hiểu về Bác là chưa đủ còn phải có một tấm lòng yêu kính Người”, anh Nam cho biết. Quá trình đúc tượng Bác, anh Nam chia sẻ, bản thân anh “được” nhiều thứ. Từ đó, kiến thức lịch sử, tay nghề đúc tượng truyền thần cũng tăng dần. “Khách hàng của tôi đặt đúc tượng Bác rất đa dạng, có nơi muốn đúc những bức tượng của Bác khi Người còn trẻ, có nơi lại đặt tượng Bác đang làm việc hoặc thong dong ngồi ghế đọc sách… Để “nhìn tượng là thấy Người”, tôi lại phải tìm đọc các tài liệu về Bác, những câu chuyện về Bác ở những thời điểm cụ thể. Từ đó, tôi tự “làm đầy” thêm vốn kiến thức cho mình”, anh Nguyễn Văn Nam cho biết thêm. Năm 2016, Công ty TNHH Đúc Đại Nam đã đúc 63 pho tượng Bác Hồ đặt tại phòng họp trực tuyến ngành Kho bạc cho 63 tỉnh, thành phố, 666 pho tượng Bác đặt tại phòng họp các quận, huyện ngành Kho bạc trên toàn quốc. Đến nay, anh đã đúc và cho xuất xưởng hàng nghìn pho tượng Bác Hồ.

Bằng tình yêu kính Bác Hồ, qua bàn tay tài hoa của người thợ, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam đã tạo ra rất nhiều bức tượng Bác Hồ đẹp. “Thông qua những sản phẩm đúc nói chung, tượng Bác Hồ nói riêng, những người thợ đúc đồng hy vọng sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé giới thiệu làng nghề, nghề truyền thống của quê mình đến mọi miền đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no. Tôi nghĩ, đó cũng là cách tốt nhất để mỗi người thợ chúng tôi học tập, noi gương và làm theo Bác kính yêu”, anh Nam khẳng định./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com