Bưu tá, nghề nối liền niềm vui

08:34, 23/06/2023

Trên khắp các nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, từ các khu công nghiệp sầm uất đến các làng chài ven biển xa xôi trên địa bàn tỉnh, không nơi nào là không ghi dấu chân của những người bưu tá công tác trong ngành Bưu điện. Mỗi ngày, họ bắt đầu công việc sớm hơn nhiều so với “giờ hành chính” quy định để kịp đưa những tờ báo, cánh thư, bưu phẩm… mang thông tin, niềm vui đến bao người.

Chị Trần Thị Cài, nhân viên bưu tá Bưu cục phát - Trung tâm khai thác vận chuyển (Bưu điện tỉnh) chuẩn bị bưu phẩm vận chuyển đến tận tay khách hàng.
Chị Trần Thị Cài, nhân viên bưu tá Bưu cục phát - Trung tâm khai thác vận chuyển (Bưu điện tỉnh) chuẩn bị bưu phẩm vận chuyển đến tận tay khách hàng.

Chị Trần Thị Cài, nhân viên bưu tá Bưu cục phát - Trung tâm khai thác vận chuyển (Bưu điện tỉnh) đảm nhận công việc bưu tá từ năm 2011, trước đó chị là nhân viên giao dịch. Chị Cài hiện phụ trách địa bàn của 3 phường là Lộc Hạ, Thống Nhất và Hạ Long. Địa bàn rộng, thư từ, bưu phẩm phải chuyển phát nhiều, mùa đông cũng như hè, chị thức dậy từ lúc 5 giờ sáng lo đi chợ, nấu ăn cho các con để 6 giờ bắt đầu ngày làm việc mới. 6 giờ, chị cùng các bưu tá khác đã có mặt ở Trung tâm khai thác vận chuyển tỉnh khai thác hàng,  lấy hàng về bưu cục phát Giải Phóng và đi phát. Sau khi lấy hàng xong, chị sẽ phát “một mạch” cho đến 14 giờ 30 mới nghỉ ăn “cơm trưa”. Chị Cài tranh thủ ăn trưa và nghỉ ngơi trong vòng khoảng 45 phút để từ 15 giờ 15 phút sẽ tiếp tục đi khai thác hàng và phát tiếp. Trung bình mỗi ngày làm việc quãng đường chị di chuyển vào khoảng 60km. Chị Cài sẽ kết thúc công việc vào khoảng 18-19 giờ. “Đấy là lịch làm việc của một ngày bình thường, có nhiều ngày tôi phải kết thúc công việc muộn hơn, vào khoảng 8-9 giờ tối, do khách bận, họ hẹn chỉ giờ đấy mới nhận được hàng. Đối với nghề bưu tá chúng tôi, phát hết hàng thì mới coi là xong ngày làm việc”, chị Cài nói. Có thâm niên làm bưu tá khoảng chục năm, chị Cài say sưa kể cho chúng tôi nghe về nghề của mình, về niềm đam mê cũng như những niềm vui, nỗi buồn của nghề bưu tá. “Tuy vào nghề bưu tá chưa lâu nhưng do công tác trong ngành Bưu điện thời gian dài nên tôi cũng tương đối hiểu công việc của người bưu tá. Những thập niên 80-90, có thể coi là thời kỳ rất khó khăn của người làm bưu tá, thu nhập thấp, đi lại rất vất vả. Hồi ấy, các bác, các chú, các cô phải đi chuyển thư, báo, bưu phẩm bằng xe đạp mà đường sá nào được như bây giờ. Đến những năm 1995-1996, người nào khá lắm mới sắm được chiếc xe máy, mà phải chọn toàn xe cũ vì sợ bị trộm khi dừng chân trao thư, trao bưu phẩm. Chúng tôi hiện nay tuy có vất vả nhưng vẫn “sướng” hơn các bác, các cô chú ngày xưa nhiều, đường đi, phương tiện đều thuận lợi hơn”, chị Cài bộc bạch. 

Làm nghề bưu tá vất vả nhưng cũng có những niềm vui. Theo chị Cài, cách đây vài chục năm, khi internet chưa phát triển, điện thoại di động là thứ xa xỉ, điện thoại bàn cũng còn hạn chế, khi ấy là thời hoàng kim của những lá thư tay. Đối với những người làm nghề bưu tá, có thể nói mỗi lần mang thư đi giao là như “mang niềm vui” đến cho mỗi gia đình. Hiện nay, mặc dù việc chuyển thư tay đã ít hơn nhưng vẫn có những trường hợp thích viết và nhận thư tay, đặc biệt là những người cao tuổi. “Đối với những người già, một cuộc điện thoại hỏi han của người thân có khi không vui bằng nhận một bức thư. Vì vậy, khi nhận được thư họ rất cảm động và cảm ơn chúng tôi rối rít. Lúc ấy, tự nhiên bao mệt mỏi của tôi đều tan biến hết”, chị Cài chia sẻ thêm. Tuy nhiên, cũng theo chị Cài, việc đưa thư nhiều khi cũng khiến cho những người làm nghề bưu tá như chị rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Cụ thể, để một bức thư chuyển đến đúng người nhận thì người dân cần ghi đúng địa chỉ bao gồm số nhà, đường phố, xã (phường), tên huyện, thành phố, tỉnh, số điện thoại... Tuy nhiên, hiện nay quá trình đô thị hóa đã làm cho một số người, đặc biệt là những người cao tuổi chưa thể cập nhật được địa chỉ mới ở những địa bàn đã được nâng cấp từ “quê” lên “phố”. Chưa kể, nhiều khu dân cư mới hình thành nhưng chưa có số nhà, do đó người dân phải dùng địa chỉ theo số lô khi được giao đất và lấy tên theo các dự án giao đất. Khi đã có tên đường mới và số nhà, nhưng do người gửi thư không thể cập nhật kịp gây khó khăn cho việc chuyển thư từ, bưu phẩm của bưu tá. “Đối với những trường hợp thế này, chúng tôi buộc phải làm theo “kinh nghiệm”, dò tên theo trường hợp của những thư trước để “đoán” địa chỉ người nhận. Chúng tôi cũng thường xuyên lên mạng đọc thông tin để tự cập nhật các khu phố mới, tên đường, phố mới…  phục vụ cho công việc chuyển phát. Sau khi tìm được các hộ gia đình nhận thư, bưu phẩm, tôi cũng nhắc nhở họ cập nhật lại địa chỉ nhà để báo cho người gửi, tránh nhầm lẫn, thất lạc thư từ, bưu phẩm trong các lần gửi kế tiếp”, chị Cài kể. Việc ghi địa chỉ không đầy đủ số nhà, tên đường, tên phường, số điện thoại… vẫn tồn tại và là nguyên nhân gây khiếu nại mỗi khi thư, báo, bưu phẩm tới chậm hoặc không phát được do bưu tá không tìm được địa chỉ. Đặc biệt là những giấy tờ quan trọng như giấy báo thi, nhập học… Khi có khiếu nại thì trách nhiệm đầu tiên bao giờ cũng “quy” về bưu tá chứ không ai nghĩ đến phần lớn những lỗi này thuộc về người gửi thư do ghi địa chỉ không rõ ràng. Đây cũng là một trong những rủi ro nghề nghiệp của nghề bưu tá.

Mai Văn Lực, sinh năm 1995, xã Nam Tiến (Nam Trực) mới vào nghề bưu tá được hơn 1 năm. Trước kia Lực là lao động tự do. Là bưu tá của Bưu điện văn hoá xã Nam Tiến, phụ trách địa bàn 2 xã Nam Tiến và Nam Lợi, một ngày làm việc của Lực tương đối bận rộn. 8 giờ sáng, Lực đi lấy hàng ở Bưu cục Cổ Giả, xã Nam Tiến và Bưu điện văn hoá xã Nam Lợi rồi bắt đầu đi phát từ 10 giờ cho đến khi hết hàng. 17-18 giờ chiều hàng ngày, Lực lại bắt đầu công việc mới, lấy hàng ở các nhà dân, hoặc các shop nhờ bưu điện gửi đi. Không hiếm những ngày 8-9 giờ tối chàng trai trẻ vẫn đang ở ngoài đường để chuyển và phát bưu phẩm, hàng hoá. Trung bình một ngày, Lực giao từ 50-60 đơn hàng với quãng đường di chuyển khoảng 60km. Đối với Lực, cái khó của nghề là nhiều khi gọi điện nhưng người nhận hàng, nhận bưu phẩm thấy số lạ không bắt máy, hoặc cố tình “bom” hàng, mất công đi lại nhiều lần. Đây cũng là nghề tương đối vất vả, thời tiết dù thế nào cũng vẫn phải “lên đường” hoàn thành nhiệm vụ. Có những buổi trưa nắng chang chang hay những buổi chiều đông giá rét căm căm, thậm chí bão to, gió lớn, người bưu tá vẫn cần mẫn trên mọi nẻo đường để đảm bảo những tờ báo được phát hành kịp thời, những cánh thư, những bưu phẩm đặc biệt là hàng chuyển phát nhanh đến đúng tay người nhận. Mặc dù vất vả, tuy nhiên, với chàng trai trẻ, nghề bưu tá “vui nhiều hơn buồn”. “Làm bưu tá giúp em có cơ hội đi nhiều, gặp nhiều người, biết nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó tích luỹ thêm được kinh nghiệm, vốn sống. Hơn nữa làm bưu tá còn giúp em chủ động được về mặt thời gian, thế nên em cảm thấy rất thoải mái”.

Xã hội phát triển, công nghệ thông tin hiện đại phổ biến đang dần thay thế các lá thư tay, tuy nhiên hiện nay các loại hợp đồng, hoá đơn, chứng từ hay hàng hoá vẫn được nhiều người tín nhiệm gửi qua hệ thống bưu chính, mà bưu tá là những người trực tiếp giao, nhận. Và dẫu cho quá trình làm nghề còn nhiều vất vả nhưng với những bưu tá chúng tôi gặp, họ luôn xác định trách nhiệm: “Bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời, chính xác”. Tình yêu, sự tâm huyết với nghề của họ vì vậy càng đáng quý hơn./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com