Khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn

08:13, 14/07/2023

Tiếng ồn là tập hợp của những âm thanh hỗn tạp với các tần số, cường độ khác nhau, gây cảm giác khó chịu cho người nghe. Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khá phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khoẻ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Ứng dụng máy móc hiện đại trong sản xuất giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn. (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Sản xuất đồ nội thất Khánh Đạt, xã Giao Tiến (Giao Thủy) kiểm tra máy móc trước khi vận hành).
Ứng dụng máy móc hiện đại trong sản xuất giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn. (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Sản xuất đồ nội thất Khánh Đạt, xã Giao Tiến (Giao Thủy) kiểm tra máy móc trước khi vận hành).

Nhiều nguồn ô nhiễm tiếng ồn

Có nhiều nguồn gây tiếng ồn phổ biến như: còi xe ô tô, xe máy các loại; âm thanh phát ra từ nơi sản xuất, công trình xây dựng, hát karaoke tại khu dân cư, loa kéo… Theo các chuyên gia nghiên cứu, ô nhiễm tiếng ồn âm thầm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Những người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể, suy nhược thần kinh. Người đang điều trị bệnh sống nơi ồn ào quá trình hồi phục sẽ chậm hơn. Bà T.T.Y, từng sinh sống và bán hàng ở ven Quốc lộ 10, đoạn qua phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn của phương tiện giao thông phát ra nên tôi luôn thấy mệt mỏi, thính giác bị giảm đáng kể. Đặc biệt về đêm, nhiều xe ô tô vẫn bóp còi inh ỏi khiến nhiều người sống ven đường ngủ không ngon giấc”. Do không thể chịu tiếng ồn ven Quốc lộ 10 nên bà Y đã bán nhà và chuyển đến nơi ở mới yên tĩnh hơn. Đáng ngại, hiện nay nhiều chủ sở hữu mô tô, xe máy chế thêm các loại còi, pô xe với cường độ âm thanh và công suất lớn gây mất an ninh trật tự; tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là phụ nữ và người lớn tuổi dễ giật mình dẫn đến loạng choạng, mất lái… Anh Trần Quang V là người có nhiều năm kinh nghiệm chơi xe phân khối lớn tại huyện Mỹ Lộc cho biết: “Không chỉ “độ” còi, nhiều người còn “độ” pô xe. Tuy khác nhau về thể loại, giá cả nhưng các loại pô chế đều có đặc tính nổ to, rền. Bản thân anh V khi mới mua xe đã chế cổ pô, bầu hơi và tậu chiếc pô mới hiệu Akrapovic... Sau một thời gian sử dụng, nhiều người đi đường phàn nàn, góp ý nên anh đã lắp lại chiếc pô nguyên bản của xe”.

Thời gian qua, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư dường như vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân. Hàng ngày vào lúc 5 giờ chiều, bà Lê Thị Lan ở phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đón cháu về nhà. Chưa kịp trò chuyện với cháu, bà đã vội đóng cửa bởi những âm thanh chói tai từ dàn karaoke nhà hàng xóm vọng lại. Bà Lan chia sẻ: “Bản thân đã có tuổi, ở gần khu vực nhà tôi có quán cafe “hát cho nhau nghe”; một số gia đình gần đây cũng thường xuyên hát karaoke công suất lớn, có lúc mấy gia đình cùng hát, mỗi nơi một kiểu nhạc tạo ra thứ âm thanh hỗn tạp gây nhức đầu. Hàng xóm với nhau, tôi đã nhỏ nhẹ nhắc vặn nhỏ âm lượng nhưng họ khó chịu và hôm sau lại tiếp diễn…”. Đến chỗ làm với tâm trạng mệt mỏi do mất ngủ nhiều ngày, chị Trần Thị Lụa, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) than phiền với đồng nghiệp về việc thời gian gần đây khu vực chị sinh sống thường xuyên phát ra tiếng sáo diều. Những chiếc diều dài cỡ lớn sải cánh hàng mét, được gắn những bộ sáo “đại” thường được neo cố định trên bầu trời từ sáng đến đêm với âm thanh lớn khiến người dân mất ngủ. Trước tình trạng này, người dân đã trực tiếp lần theo vị trí của diều để góp ý người thả diều và báo cáo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn. 

Một trong những nguồn tiếng ồn khá phổ biến đến từ hoạt động sản xuất, tập trung ở các làng nghề chế tạo cơ khí, làng nghề mộc… Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh những năm gần đây cho thấy tiếng ồn tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) nhưng ở mức thấp. Các cơ sở quy mô nhỏ, lẻ hầu hết không có các giải pháp giảm tiếng ồn trong quá trình sản xuất, khiến nhiều người dân sống xung quanh, nhất là người lao động trực tiếp, có biểu hiện ù tai, thính giác giảm. 

Đồng bộ các giải pháp 

Từ ngày 25-8-2022, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực. Theo đó, mức chế tài đối với vi phạm về tiếng ồn lên đến 160 triệu đồng đối với cá nhân, 320 triệu đồng đối với tổ chức nếu vượt quá 40 dBA (đơn vị đo độ ồn âm thanh). Mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Với nguồn tiếng ồn từ còi xe các phương tiện tham gia giao thông, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó Mục 1, Chương II quy định xử phạt vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 200-400 nghìn đồng đối với hành vi “bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm g khoản 1 Điều 5); từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm b khoản 3 Điều 5)… Mặc dù quy định của pháp luật đối với việc sử dụng còi xe đã tương đối đầy đủ nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử phạt những người điều khiển giao thông vi phạm quy định về còi xe còn nhiều khó khăn do trong quá trình phát hiện, xử lý phương tiện giao thông lực lượng chức năng còn thiếu các thiết bị đo âm lượng.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề, ngày 3-2-2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 61/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tổ chức rà soát, đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không được khuyến khích phát triển và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài... Bên cạnh đó, để giảm ô nhiễm tiếng ồn, thời gian qua các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các quy ước, hương ước dựa trên sự đồng thuận của nhân dân. Đối với đám cưới, quy định các gia đình không được sử dụng loa đài, văn nghệ quá 22 giờ đêm. Việc tang lễ phải tiết kiệm, sử dụng loa đài phục vụ đám tang không quá 22 giờ và không mở loa đài trước 5 giờ sáng… Nhiều địa phương đã đưa việc thực hiện quy ước, hương ước thành một tiêu chí khi xem xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố, thôn, xóm văn hóa. Các lực lượng chức năng: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, các cơ sở sản xuất, bày bán các loại còi không đúng quy định… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, những quy định của Luật Giao thông đường bộ; không lạm dụng bấm còi trên đường. Nhiều trường học mời cán bộ cảnh sát giao thông truyền đạt kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, những điểm cần lưu ý khi tham gia giao thông cho giáo viên và học sinh. 

Thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiên quyết xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm về tiếng ồn. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com