“Xem người bệnh như người thân, hiểu những đau đớn, buồn tủi do bệnh tật gây ra như với chính mình, thì người điều dưỡng mới tận tâm chăm sóc bệnh nhân”, đó là phương châm làm nghề hơn 30 năm qua của bà Nguyễn Thị Đóa, nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Nam Định.
Dù đã nghỉ hưu nhưng bà Nguyễn Thị Đóa, nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh vẫn thường xuyên tìm đọc sách báo, tài liệu để nâng cao chuyên môn. |
Bà Nguyễn Thị Đóa năm nay vừa tròn 65 tuổi. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, năm 1978, bà tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Nam Định và là một trong những sinh viên xuất sắc được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Hà (cũ) tuyển thẳng vào làm việc tại Khoa hồi sức cấp cứu. Đặc thù của Khoa hồi sức cấp cứu là tiếp nhận người bệnh nặng, đòi hỏi người điều dưỡng không chỉ có chuyên môn tốt, tác phong nhanh nhẹn mà phải có kỹ năng giao tiếp tốt, khéo léo trong cách ứng xử với người bệnh và người nhà của người bệnh. Phần lớn người bệnh trong khoa phải chịu những nỗi đau lớn về thể chất và tinh thần. Điều đó khiến các y, bác sĩ, điều dưỡng… phải luôn cố gắng không ngừng để người bệnh giảm bớt đau đớn và nhanh chóng phục hồi. Bên cạnh đó, những điều dưỡng viên luôn túc trực bên bệnh nhân, là người gần gũi bệnh nhân nhất nên phải thường xuyên động viên, khích lệ người bệnh, người nhà người bệnh tích cực điều trị. Chỉ có những người từng có người thân điều trị ở đây mới biết các bác sĩ, điều dưỡng vất vả thế nào. Bà Đóa chia sẻ, hiếm khi có những bước đi thảnh thơi, nhiều đêm trực phải thức trắng đêm để điều trị cho người bệnh. Những bữa cơm thường xuyên phải bỏ dở để cấp cứu người bệnh đã thành điều thường lệ hàng ngày.
Trong suốt quá trình làm việc, bà Đóa đã trải qua nhiều khoảnh khắc khó quên với những bệnh nhân mình chăm sóc. Có những bệnh nhân không chịu dùng thuốc, không ăn uống, bỏ mặc bản thân tiều tụy. Là một điều dưỡng cận kề bệnh nhân, bà xem người bệnh như người thân, người bạn tâm giao, dành thời gian tâm sự, trò chuyện, làm điểm tựa cho bệnh nhân. Gắn bó với nghề hơn 30 năm, bà Đóa tâm niệm dù người bệnh có đứng trước “cửa tử”, điều dưỡng phải luôn truyền được năng lượng lạc quan, giúp bệnh nhân gạt bỏ cảm giác lo lắng, sợ hãi, bình tĩnh đón nhận cuộc sống phía trước. Với bà, những việc làm như: nhắc nhở giờ uống thuốc, đút từng thìa cháo, thay quần áo, cắt móng tay, chải tóc gọn gàng cho người bệnh... dù nhỏ nhưng cần thiết, giúp bệnh nhân ấm lòng hơn. Bà Đóa chia sẻ: “Niềm vui của bệnh nhân khi khỏi bệnh, cái nắm tay cảm ơn của người nhà bệnh nhân; niềm hạnh phúc vỡ òa của đội trực khi cấp cứu bệnh nhân thành công, sự tin tưởng, khích lệ của lãnh đạo bệnh viện… là động lực to lớn để tôi và đồng nghiệp nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất có thể cho bệnh nhân và hoàn thành tốt vai trò của mình”.
Năm 1997, bà Nguyễn Thị Đóa được tín nhiệm bầu giữ chức danh Điều dưỡng trưởng Sở Y tế tỉnh. Năm 1998, bà tiếp tục được bầu đảm nhiệm Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh. Dù ở bất cứ cương vị nào bà cũng gương mẫu và thúc đẩy các hoạt động chuyên môn nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Trong nghiên cứu khoa học, bà chủ trì một số đề tài thiết thực như: “Kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn trong sử dụng thuốc”, cải tiến “ghi chép hồ sơ điều dưỡng”… Bà đã có những báo cáo tại Hội nghị khoa học của Hội Điều dưỡng Việt Nam và hội nghị chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế. Các đề tài được đăng trên tạp chí của ngành Y tế. Đối với các đơn vị y tế trong ngành, bà luôn sâu sát với các hoạt động chuyên môn, công tác đào tạo, công tác phát triển hội viên, hướng dẫn tổ chức thi tay nghề cấp cơ sở và cấp ngành. Ngoài ra, bà còn tham gia Ủy viên Ban chấp hành liên hiệp của Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ tỉnh và là giáo viên kiêm nhiệm tại Trường Trung cấp Y tế Nam Định. Trên cương vị là một lãnh đạo, bà Đóa luôn nghiêm khắc nhưng linh hoạt trong xử lý tình huống, khả năng thuyết phục trong quản lý. Chính vì vậy, bà nhận được nhiều tình cảm và sự tôn trọng đặc biệt của đồng nghiệp. Năm 2013, bà Đóa nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục được tín nhiệm điều hành hoạt động công tác Hội Điều dưỡng đến tháng 10-2022.
Nghề điều dưỡng là một nghề luôn phải học hỏi, không ngừng nỗ lực để ngày càng phát triển kỹ năng, mỗi cán bộ điều dưỡng viên luôn phải phấn đấu, trở thành những người cộng sự đắc lực của bác sĩ, góp phần chăm sóc tích cực cho các bệnh nhân với tiêu chí “Tất cả vì người bệnh”, “Ngày ngày tận tụy vì sức khỏe và hạnh phúc nhân dân”. Với những nỗ lực và nhiệt huyết với nghề, bà đã được nhận Bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Tổng hội Y Dược học Việt Nam và Hội Điều dưỡng Việt Nam. Năm 2020, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam, bà là người điều dưỡng Nam Định đầu tiên được Hội Điều dưỡng Việt Nam tôn vinh là điều dưỡng viên tiêu biểu. Hơn 30 năm cống hiến trong nghề, có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà bà Đóa giành được đó chính là tình cảm, sự yêu mến và quý trọng của đồng nghiệp, của người bệnh dành cho bà. Anh Vũ Ngọc Hà, điều dưỡng viên của Bệnh viện Phụ sản Nam Định cho biết: “Cô Nguyễn Thị Đóa là thế hệ đi trước, là ngọn lửa truyền cảm hứng cho những điều dưỡng trẻ tuổi. Không chỉ với riêng tôi mà với nhiều điều dưỡng trẻ khác, cô là tấm gương sáng để chúng tôi nỗ lực làm nghề, tận tụy chăm sóc bệnh nhân”./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin