Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, sản phẩm động vật dịp cuối năm

18:45, 29/11/2022

Hiện nay, việc tái đàn vật nuôi và hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm của người dân trong tỉnh tăng mạnh. Vì vậy, Sở NN và PTNT, các địa phương đang đẩy mạnh các công tác kiểm soát dịch bệnh trên động vật và sản phẩm động vật, góp phần bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.

Lực lượng chức năng kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch chất lượng thịt lợn tại Công ty TNHH DHSF North, xã Hải Nam (Hải Hậu).
Lực lượng chức năng kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch chất lượng thịt lợn tại Công ty TNHH DHSF North, xã Hải Nam (Hải Hậu).

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 3 hộ chăn nuôi tại 3 xã của 2 huyện Giao Thủy và Trực Ninh. Số lợn mắc bệnh, tiêu hủy là 17 con, trong đó có 2 lợn nái, 15 lợn thịt, tổng trọng lượng tiêu hủy 615kg. Phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở 4 hộ chăn nuôi tại xóm Hồng Lạc, xã Trực Hùng (Trực Ninh). Tổng số gia cầm tiêu hủy 307 con gà, ngan, ngỗng, vịt; tổng trọng lượng tiêu hủy 708kg. Cùng với các loại dịch bệnh phát sinh, hiện thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp, mưa nắng, rét buốt đan xen, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Mật độ, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong dân vẫn rất lớn, vì vậy các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng trên đàn lợn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan. Mặt khác, kết quả giám sát của lực lượng chức năng cho thấy hiện vẫn còn lưu hành vi-rút cúm trên đàn gia cầm ở một số địa phương nên nguy cơ dịch bệnh tái phát vẫn cao. Năm nay, tỉnh tiếp tục hỗ trợ vắc-xin dịch tả để tiêm cho đàn lợn, vắc-xin lở mồm long móng type O để tiêm cho trâu, bò, dê và đàn lợn nái, lợn đực giống, vắc-xin viêm da nổi cục tiêm cho đàn trâu, bò. Song kết quả tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn được 682.429 con lợn, trong đó tiêm vắc-xin từ nguồn ngân sách Nhà nước được 307.790 con, đạt 78,6% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng được 34.298 con lợn nái, lợn đực giống, đạt 57,9% kế hoạch; tiêm vắc-xin viêm da nổi cục được 23.241 con trâu, bò, đạt 77,5% kế hoạch; tiêm vắc-xin dại được 54.173 con chó, đạt 64,7% kế hoạch… Đặc biệt, thị trường vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố khác vào địa bàn tỉnh khá sôi động.

Trước nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và động vật thủy sản dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 873/UBND-VP3 ngày 18-11-2022 về việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn các cơ sở nuôi, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trong quản lý, sản xuất và thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực nuôi bằng vôi bột, hoá chất; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt môi giới truyền bệnh xâm nhập vào khu vực nuôi; báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn khi có động vật ốm, chết bất thường; không lạm dụng kháng sinh, thuốc y tế, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi, chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong vụ đông xuân. Tổ chức rà soát, tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho gia súc, gia cầm, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn được tiêm phòng. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giá cả, chất lượng vật tư thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản phẩm nông lâm, thủy sản.

Lực lượng chức năng kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch chất lượng thịt lợn tại Công ty TNHH DHSF North, xã Hải Nam (Hải Hậu).

Lực lượng chức năng kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch chất lượng thịt lợn tại Công ty TNHH DHSF North, xã Hải Nam (Hải Hậu).

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, có chế độ dinh dưỡng và biện pháp chống rét hợp lý cho đàn vật nuôi; tổ chức ký cam kết với các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện tiêm phòng vắc-xin đối với một số bệnh trên động vật. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng cho biết: Chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, giết mổ sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán con giống. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng trăm phương tiện vận chuyển, động vật và sản phẩm động vật. Trong quá trình kiểm tra đã hướng dẫn các chủ hàng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cho động vật và phòng lây nhiễm một số bệnh từ động vật sang người, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật. 

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 và phục vụ lễ hội đầu xuân, nhu cầu tái đàn nuôi mới gia súc, gia cầm và sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật gia tăng nên nguy cơ xâm nhập mầm bệnh rất lớn nếu không làm tốt công tác quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động tích cực của cơ quan chức năng thì vai trò của người chăn nuôi, người kinh doanh và người làm dịch vụ vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trong ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc gia cầm là rất quan trọng. Tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe cho người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com