Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 (Chỉ thị số 40) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH)” và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã Nam Thái (Nam Trực), hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng CSXH được tăng cường, khơi thông, giúp cho người nghèo và các đối tượng CSXH từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Từ vốn vay tín dụng chính sách, ông Trần Văn Trọng, xóm Tiền Vinh, xã Nam Thái đầu tư máy tiện phay nhôm định hình tự động. |
Đồng chí Vũ Mạnh Đang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thái cho biết: “Tính đến ngày 9-4-2024, xã có 682 hộ còn dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện với tổng số 34,407 tỷ đồng, tăng 876 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, qua ủy thác của Hội Nông dân xã có 379 hộ vay với dư nợ 18,8 tỷ đồng; Hội Phụ nữ xã có 303 hộ vay với dư nợ 15,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến hết ngày 22-4-2024, xã đã giải ngân được 3,9 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, toàn xã không có nợ quá hạn”. Có được kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội, thôn, xóm đã quán triệt sâu rộng và triển khai quyết liệt các nội dung chỉ đạo trong Chỉ thị số 40 đến từng cơ sở.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: “Trước khi thực hiện Chỉ thị số 40, dư nợ tín dụng của xã chỉ dưới 10 tỷ đồng, một số món vay phát sinh nợ quá hạn; việc thu hồi nợ, lãi gặp nhiều khó khăn do ý thức người dân chưa cao. Bên cạnh đó, Hội chỉ là đơn vị trung gian nhận ủy thác, hỗ trợ người dân vay tín chấp Ngân hàng CSXH; do đó nợ xấu rủi ro xảy ra sẽ rất khó thu hồi nếu không có chính quyền hỗ trợ”. Vì thế, thực hiện Chỉ thị số 40, đặc biệt với chủ trương bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện đã góp phần nâng cao sức mạnh chính trị trong bộ máy chỉ đạo điều hành quản lý tín dụng chính sách tại địa phương, từ đó mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng CSXH được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả các tồn tại so với trước đây. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương xã tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn điểm giao dịch để Ngân hàng CSXH tổ chức giao dịch an toàn, đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã có nhu cầu đều được giải quyết cho vay và được tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp. Đến nay, bất cứ món vay tín dụng chính sách có nguy cơ rủi ro, cán bộ hội, đoàn thể đều chủ động báo cáo sớm với UBND xã, có giấy mời hộ vay lên làm việc với cán bộ, lãnh đạo xã; tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bàn bạc giải pháp chung tay cùng tháo gỡ khó khăn trả nợ vốn vay, ký cam kết thực hiện. Vì thế, nhiều năm trở lại đây, xã Nam Thái không có nợ quá hạn; ý thức vay, trả nợ của người dân được nâng cao rõ rệt. Dư nợ vốn tín dụng chính sách đến hết tháng 4-2023 đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40. Hiệu quả sử dụng vốn không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống chỉ còn 1,3%; thu nhập bình quân của xã đến hết năm 2023 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Bình quân mỗi năm xã có từ 50-60 hộ thoát nghèo bền vững với trợ lực từ vốn tín dụng chính sách.
Nhiều hộ vay đã thoát nghèo vươn lên khá giả về kinh tế từ vốn tín dụng chính sách như hộ ông Trần Văn Trọng ở xóm Tiền Vinh với mô hình cơ khí dân dụng; ông Đỗ Văn Thiệp ở xóm Nam Trang sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ… Ông Đỗ Văn Thiệp, xóm Nam Trang cho biết: “Hiện tại, điểm giao dịch xã được chính quyền tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân tiếp cận với vốn vay tín dụng chính sách. Mọi thủ tục đều được cán bộ hướng dẫn cụ thể, đơn giản, dễ hiểu. Bản thân tôi cũng được vay 100 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để đầu tư xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Vốn vay được gia đình sử dụng hết sức hiệu quả, tạo việc làm cho 4 công nhân với lương bình quân 10 triệu đồng/tháng”.
Có thể nói, Chỉ thị số 40 ra đời mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy và thay đổi mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong xã Nam Thái, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng CSXH ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách tại địa phương được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, nâng cao chất lượng tín dụng. Hơn thế, Chỉ thị số 40 đã khẳng định ý nghĩa về kinh tế, đồng thời có ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn trên thực tế, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế, khó khăn về kinh tế; tăng cường tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của người thụ hưởng chính sách; góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết nhân dân với Đảng, nhân dân với các hội, đoàn thể, giữa các hội, đoàn thể với nhau, nhân dân với nhân dân; giúp chính quyền nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn; kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, bức xúc của nhân dân; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, nhất là tình trạng tín dụng đen, ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 40, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Nam Thái tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức nhận ủy thác quan tâm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng CSXH. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn xã tiếp tục ưu tiên triển khai Chỉ thị số 40 như một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và công tác dân vận ở cơ sở. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Tập trung hướng dẫn, bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin