Co-opBank Nam Định: Phát triển mô hình đại lý ngân hàng số đến vùng nông thôn

08:51, 09/05/2024

Chuyển đổi số giúp nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển nhanh những kênh phân phối hiện đại cũng như cho phép mở các điểm tiếp xúc với khách hàng bên ngoài chi nhánh, phòng giao dịch thông qua các ứng dụng trên không gian mạng, giúp khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện, chính xác. Là ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Nam Định (Co-opBank Nam Định) đã, đang triển khai mạnh mẽ mô hình đại lý ngân hàng số nhằm mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tiêu dùng và thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân vùng nông thôn.

Cán bộ Co-opBank tư vấn, giới thiệu dịch vụ ngân hàng số tại Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Vân (Xuân Trường).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Cán bộ Co-opBank tư vấn, giới thiệu dịch vụ ngân hàng số tại Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Vân (Xuân Trường). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Để hiện thực hóa mục tiêu ngân hàng số, các TCTD phải đầu tư lượng tài chính rất lớn, công nghệ hiện đại, nguồn nhân sự có chuyên môn cao... Với năng lực tài chính, công nghệ, trình độ chuyên môn hiện tại, các QTDND sẽ không thể thực hiện được dẫn đến mất khách hàng ngay trên địa bàn hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu và tiềm năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số tại khu vực nông thôn rất lớn. Vì vậy, việc làm đại lý ngân hàng số cho Co-opBank trở thành lựa chọn tất yếu đối với các Quỹ để có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ, tiện ích phục vụ tốt nhất nhân dân trên địa bàn, thu hút thêm thành viên giúp các QTDND ngày càng phát triển ổn định, hiệu quả. Ngân hàng số giúp cho các QTDND có lợi ích trước mắt là tăng thu nhập, lưu lượng khách hàng, từ đó thu nhập của Quỹ sẽ được cải thiện từ nhiều nguồn khác nhau như thu phí hoa hồng khi thực hiện những giao dịch tài chính thay ngân hàng, tăng doanh số do thu hút tốt hơn số lượt khách hàng ghé thăm,… Các đại lý ngân hàng có thể thắt chặt mối quan hệ với khách hàng bền chặt, hiệu quả hơn. Về tổng thể, đại lý ngân hàng ở các QTDND có thể giúp tăng thêm khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản, là phương thức hữu hiệu thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện cho người dân ở nông thôn.

Ông Vũ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Phương Định (Trực Ninh) cho biết: “Quý I năm 2024, tổng số tiền chuyển đi qua hệ thống chuyển tiền nhanh CF-eBank tại Quỹ đạt 14,5 tỷ đồng với 72 món; tổng số tiền chuyển đến qua hệ thống là 65,2 tỷ đồng với 1.092 món. Việc tuyên truyền vận động nhân dân mở tài khoản thanh toán và thẻ cũng như sử dụng ngân hàng số là một hành trình vất vả và phải kiên trì, thậm chí là một “cuộc cách mạng về tư duy và nhận thức”, bởi người dân xưa nay chỉ quen dùng tiền mặt, chưa hiểu về công nghệ. Bản thân một số cán bộ QTDND lúc đầu cũng chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Tuy nhiên, khi đã nhận thức được đại lý ngân hàng số là dịch vụ hỗ trợ cho thành viên và nhân dân trên địa bàn, cán bộ Quỹ không quản ngại khó khăn tiếp cận, hướng dẫn từng thành viên, người dân, doanh nghiệp về các tiện ích của dịch vụ. Nhờ đó đã tăng sự gắn bó của các thành viên đối với Quỹ, đảm bảo lợi ích cho họ, cho người dân, đồng thời cũng tăng thêm vị thế của Quỹ. Qua việc triển khai các dịch vụ thanh toán, nhiều người dân biết đến và tin tưởng hơn với QTDND và trở thành thành viên của Quỹ”. Thời gian tới, QTDND Phương Định sẽ tiếp tục ký kết với Co-opBank Nam Định thỏa thuận hợp tác triển khai dịch vụ ngân hàng số, xây dựng mô hình đại lý ngân hàng nhằm cung ứng thêm nhiều dịch vụ, tiện ích ngân hàng số hiện đại, thuận tiện hơn cho bà con nơi đây. Tổng cộng đã có 9 QTDND gồm Xuân Tiến, Thọ Nghiệp, Ninh Vân (Xuân Trường); Hoành Sơn, Giao Nhân (Giao Thủy); Phương Định (Trực Ninh); Nam Thanh (Nam Trực); Hải Phong (Hải Hậu); Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) đăng ký triển khai mô hình đại lý ngân hàng điện tử cung ứng các dịch vụ ngân hàng số của Co-opBank trên địa bàn hoạt động.

Dự kiến ngoài dịch vụ hiện hữu, các QTDND - đại lý ngân hàng sẽ tiếp tục cung cấp thêm các dịch vụ thanh toán hóa đơn (điện thoại, thanh toán QR, cước truyền hình, vé xem phim, nạp tiền tài khoản giao thông, vé máy bay), dịch vụ tài khoản thanh toán số đẹp, tư vấn và chăm sóc thành viên QTDND, tài khoản định danh Alias và ngày càng gia tăng các tiện ích trong hệ sinh thái ngân hàng số của Co-opBank Nam Định.

Để hỗ trợ hệ thống QTDND thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Co-opBank Nam Định cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ theo cách “cầm tay chỉ việc” cho từng QTDND thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị. Chi nhánh đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng số đến toàn hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh mở lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành đối với các lãnh đạo chủ chốt của các QTDND. Ngoài ra, Ban Giám đốc cùng phòng chuyên môn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác về trực tiếp QTDND để làm việc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số tại QTDND. Hiện tại, đã có 38/42 QTDND đã tham gia chuyển tiền điện tử trên hệ thống CF-eBank, chuyển nhanh 24/7 Napas, nội bộ qua số tài khoản thẻ Co-opBank. Trong năm 2024, sẽ tiếp tục kết nạp thêm 4 QTDND là Hải Bắc, Yên Định, Hải Trung (Hải Hậu) và Yên Phú (Ý Yên) tham gia chuyển tiền điện tử trên hệ thống. Toàn bộ các dịch vụ chuyển tiền CF-eBank và CF E-Biz được Co-opBank Nam Định cung cấp hoàn toàn miễn phí đến các QTDND.

Đồng chí Mai Văn Úy, Giám đốc Chi nhánh Co-opBank Nam Định cho biết: “Trước sự phát triển của công nghệ số, Chi nhánh đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho các QTDND. Hiện tại, Chi nhánh đã triển khai thành lập Tổ ngân hàng số với 10 thành viên giữ vai trò đầu mối thực hiện triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số tại Chi nhánh; hỗ trợ nghiệp vụ cho các QTDND, khách hàng và phòng giao dịch trực thuộc theo quy định. Tổ ngân hàng số của Chi nhánh cũng lên kế hoạch chi tiết đào tạo, hỗ trợ các Quỹ trong chuyển đổi số tại đơn vị. Hàng năm, Ban lãnh đạo Co-opBank Nam Định cũng dành một phần kinh phí thưởng khuyến khích cho các QTDND triển khai dịch vụ tốt bên cạnh phần chia sẻ phí, từ đó tạo không khí lan tỏa, thi đua triển khai nhiệm vụ trên địa bàn”.

Từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác điều hòa vốn cho các QTDND, Co-opBank Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại như cung cấp thẻ chip Co-opBank Napas, Co-opBank Mobile Banking… hướng tới triển khai dịch vụ ngân hàng số đến toàn hệ thống QTDND trên địa bàn. Thực hiện chia sẻ doanh thu và trả phí tư vấn cho các QTDND khi tham gia triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số của Co-opBank tới các thành viên, tăng cường mối liên kết giữa Co-opBank và QTDND, đồng thời gia tăng nguồn thu cho QTDND. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thương hiệu, vai trò hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND, giúp các QTDND hiểu và nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số đối với sự tồn tại của hệ thống QTDND hướng tới phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com