Xuất khẩu Nam Định khai thác hiệu quả sự phục hồi của thị trường

07:32, 25/04/2024

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất khẩu hàng hoá trong quý I-2024 của tỉnh ta đã có những khởi sắc tích cực. Những tháng cuối năm dự báo hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh có sự bứt phá, vì vậy các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực tiếp cận, chắt chiu, tận dụng khai thác kịp thời mọi cơ hội xuất khẩu.

Lãnh đạo huyện Trực Ninh nắm bắt tình hình sản xuất, hỗ trợ Công ty Cổ phần May Duy Minh khai thác thị trường xuất khẩu.
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Lãnh đạo huyện Trực Ninh nắm bắt tình hình sản xuất, hỗ trợ Công ty Cổ phần May Duy Minh khai thác thị trường xuất khẩu. 

Khai thác hiệu quả sự phục hồi của thị trường

Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 630 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: khu vực Nhà nước đạt 8 triệu USD, giảm 19,8%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 171 triệu USD, tăng 21%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 451 triệu USD, tăng 23,5%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày, lâm sản. Nếu so với năm 2023, năm có nhiều khó khăn và kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm tương đối lớn, thì đến thời điểm hiện tại, sản xuất và xuất khẩu của tỉnh ta đã có sự phục hồi khá tốt.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Vũ Thị Kim, qua khảo sát nắm bắt tình hình của ngành cho thấy tại nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất trong các nhóm ngành trọng điểm của tỉnh đều đã ổn định, phục hồi, thậm chí gia tăng các đơn hàng và số lượng đối tác mới; nhóm doanh nghiệp còn lại đều nỗ lực khai thác, tiếp cận đa dạng các thị trường để phát triển đơn hàng. Tính chung, đại đa số doanh nghiệp đều gia tăng đơn hàng, dù một số doanh nghiệp chưa có nhiều đơn hàng quá lớn nhưng lại đảm bảo đơn hàng dài hơi, tối thiểu đều đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các đối tác nước ngoài đến hết quý IV-2024.

Kết quả khả quan đạt được trong xuất khẩu hàng hóa quý I-2024 được các ngành chức năng lý giải là do: Những nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... giúp củng cố niềm tin về môi trường kinh doanh của nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Nam Định nằm ở vị thế trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có khả năng kết nối nhanh, rộng đến nhiều địa phương của Việt Nam, có nhiều thuận lợi khi các doanh nghiệp FDI chuyển dịch làn sóng đầu tư về nước ta để khai thác lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam có tham gia. Giai đoạn vừa qua, Nam Định cũng đã tích cực thu hút đầu tư để tiếp nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang. Kết quả thu hút đầu tư FDI vào Nam Định trong năm 2023 tăng cao, từ đó đã tạo ra nền tảng sản xuất tốt hơn; hiện đã bước đầu cho thành quả mới khi các doanh nghiệp nước ngoài hoàn tất xây dựng nhà xưởng, đi vào sản xuất, có hàng hóa để xuất khẩu. Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường thế giới có sự phục hồi, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn trong các năm 2022, 2023. Tại các thị trường quan trọng của đại đa số các doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Nam Định như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang gia tăng động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh ngày càng được nâng lên, tăng khả năng chống chọi với các tình huống, diễn biến bất thường của thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp của tỉnh cũng nắm bắt sâu hơn các yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu; nỗ lực tiếp cận, chắt chiu, tận dụng khai thác kịp thời mọi cơ hội xuất khẩu; chú trọng nâng mức tăng trưởng đối với các thị trường chủ chốt, thị trường truyền thống, nhất là thị trường châu Âu và đẩy mạnh việc phát triển các thị trường ngách, thị trường tiềm năng.

Dự báo xuất khẩu hàng hóa tiếp tục bứt phá

Đồng chí Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi, thậm chí sẽ bứt phá. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tính chung 3 tháng đầu năm đạt 364 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 266 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công như nguyên phụ liệu may, da và các mặt hàng liên quan, bông, xơ, sợi dệt; đều là những nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh. Kết quả nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu trong quý I hứa hẹn kết quả sản xuất, xuất khẩu trong những tháng tiếp theo của tỉnh tiếp tục gia tăng, đạt giá trị cao hơn. Tính riêng nhóm doanh nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh cho thấy có 68,57% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất quý II-2024 tăng, 25,72% số doanh nghiệp của tỉnh dự báo khối lượng sản xuất giữ nguyên so với quý I-2024. Đáng chú ý, với nhóm dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh sẽ từng bước có thêm các doanh nghiệp lớn thuộc các nhóm hàng có giá trị cao như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… khi nhà máy đi vào sản xuất trong quý II hoặc những tháng cuối năm 2024. Đây tiếp tục là nguồn sản phẩm góp phần gia tăng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Nhằm khai thác hiệu quả sự phục hồi tiêu dùng của thị trường thế giới hiện nay, các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh tiếp tục áp dụng các giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất tốt hơn, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Trong đó sẽ đẩy mạnh phổ biến để các doanh nghiệp khai thác tối đa các ưu đãi từ các FTA đã ký kết, thực thi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu… Để tận dụng tối đa các cơ hội trong xuất khẩu hàng hóa, hiện nay, doanh nghiệp các ngành hàng trên địa bàn tỉnh cùng chung quan điểm: Tiếp tục nỗ lực đổi mới hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm kế hoạch, chương trình sản xuất bám sát nhu cầu tiêu dùng; chú trọng nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới, đẩy mạnh tự động hóa để giảm giá thành sản phẩm…

Theo đại diện Công ty Cổ phần Bảo Linh (Ý Yên), với kinh nghiệm 15 năm phát triển, đến nay Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất với 6 nhà máy sản xuất hàng may mặc, đồng phục bảo hộ lao động tại địa bàn các xã Yên Hồng, Yên Bình, Yên Thanh, Yên Quang (Ý Yên), Minh Tân (Vụ Bản). Bên cạnh thị trường trong nước, sản phẩm của Công ty được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngay trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài thì sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty vẫn tương đối ổn định, hiện tiếp tục tăng thêm do nhu cầu tiêu dùng đang tăng dần. Những tín hiệu khởi sắc của thị trường xuất khẩu giúp Công  ty gia tăng niềm tin, kiên định hơn với việc tiếp tục khai thác, phát huy các yếu tố cốt lõi như là tận dụng hiệu quả hoạt động cùng thời điểm của nhiều nhà máy giúp giải quyết hiệu quả, thậm chí là “thần tốc”, các hợp đồng có thời hạn giao hàng ngắn, các đơn hàng số lượng lớn, phát sinh đột xuất theo nhu cầu của đối tác; chấp nhận giảm lợi nhuận để nhận thực hiện cả những đơn hàng nhỏ. Đặc biệt, Công ty chú trọng cải thiện, nâng cấp nhà xưởng sản xuất với hệ thống tiên tiến, hiện đại; áp dụng và đảm bảo duy trì đạt các quy chuẩn cao trong sản xuất như các chứng nhận WRAP, AMAZON, SMETA, 2P, OCS/RCS; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để duy trì đội ngũ cán bộ, người lao động giàu kinh nghiệm, thông minh, chăm chỉ, trách nhiệm với tác phong làm việc chuyên nghiệp luôn giữ chữ tín hàng đầu.

Bằng việc gia tăng các giải pháp, chú trọng khai thác hiệu quả sự phục hồi của thị trường, các ngành chức năng và các doanh nghiệp của tỉnh đang nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 3,3 tỷ USD./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com