Các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai nhiều ứng dụng số trong hoạt động... dẫn đến nhu cầu cao về nguồn nhân sự được đào tạo về công nghệ. Đây sẽ là trụ cột phát triển lâu dài của các ngân hàng, tổ chức tài chính, từ đó thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Đông Bình (Nghĩa Hưng). |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực theo Quyết định số 1537/QĐ-NHNN ngày 17-7-2019 với nhiều nội dung trọng tâm như: Đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành, đồng thời trang bị, đào tạo kỹ năng mới cho đội ngũ cán bộ hiện hữu, đảm bảo các cán bộ nghiệp vụ của NHNN có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến; có năng lực đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, phù hợp với những đòi hỏi của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của cá nhân; Xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng có trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại.
Theo thống kê của NHNN Chi nhánh tỉnh, số lượng nhân lực của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng dần qua các năm, đáp ứng được việc tăng quy mô hoạt động, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Toàn tỉnh có hơn 2.700 cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực ngành Ngân hàng. Trong đó, có hơn 200 nhân sự có trình độ trên đại học, hơn 2.000 người có trình độ đại học, hơn 100 người có trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp. Số liệu trên cho thấy, nhân lực qua đào tạo chuyên môn có trình độ từ cao đẳng trở lên của ngành Ngân hàng chiếm đa số; so với các ngành khác là khá cao. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở các NHTM cũng đã được đẩy mạnh, quan tâm thường xuyên hơn thông qua phát huy nội lực tự đào tạo là chính với hình thức, nội dung, đối tượng đào tạo khá phong phú, đồng bộ đáp ứng nhu cầu nâng cao, bổ sung cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực quản lý điều hành, kiến thức ngoại ngữ, kiến thức công nghệ thông tin hiện đại. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực phối hợp với các trường: Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Viện Đào tạo và nghiên cứu khoa học BIDV, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, Trường Đào tạo cán bộ Agribank và Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, hội sở chính để nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý của cán bộ ngân hàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực của các NHTM ngày càng cao: Năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ của cán bộ được nâng lên không chỉ ở năng lực thực tiễn, kỹ năng, trình độ, bằng cấp thay đổi mà quan trọng hơn, hầu hết đội ngũ cán bộ đã dần thoát khỏi tư duy bao cấp, định hình tư duy kinh doanh với nhận thức, hiểu biết cơ bản về ngân hàng số hiện đại. Kiến thức về kỹ thuật số và năng lực về công nghệ thông tin, khả năng thích nghi và làm chủ được các tiến bộ công nghệ như kỹ năng sử dụng vi tính, internet, Big Data, AI, Fintech… của nhân lực không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.
Năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định và Chi nhánh Bắc Nam Định đã tích cực cử cán bộ, nhân viên tham gia một số chương trình đào tạo trọng tâm như: Chương trình quản lý hoạt động ngân hàng; chương trình lãnh đạo quản lý cấp phòng, chương trình quản lý rủi ro tín dụng chuyên sâu; chương trình nâng cao nghiệp vụ tín dụng khách hàng pháp nhân; chương trình nghiệp vụ kiểm tra kiểm soát nội bộ; chương trình nâng cao kiến thức về xu hướng; công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số, ngân hàng số; chương trình kỹ năng chăm sóc hỗ trợ khách hàng, nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ đấu thầu… Trong năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 226 Chủ tịch UBND cấp xã; phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức tập huấn cho 226 cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, 647 cán bộ hội, đoàn thể nhận uỷ thác các cấp, 2.151 trưởng thôn, 5.774 cán bộ Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) đạt 100% kế hoạch. Nội dung tập huấn tập trung vào nghiệp vụ kiểm tra giám sát hoạt động uỷ thác; chấm điểm đánh giá chất lượng uỷ thác; triển khai ứng dụng VBSP E-Mobile Banking; sắp xếp hồ sơ hoạt động uỷ thác, hoạt động tổ TK và VV. Bên cạnh đó, tập huấn, phổ biến kịp thời các văn bản, chính sách, nghiệp vụ mới; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời những tồn tại, sai sót đến cán bộ hội cấp xã, tổ trưởng tổ TK và VV tại buổi giao ban vào ngày giao dịch xã. Thông qua các buổi tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ, Chi nhánh đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, đến hết năm 2023, Chi nhánh đã mở được 2.371 tài khoản VBSP E-Mobile Banking, trong đó 1.728 tài khoản đã được kích hoạt và sử dụng giao dịch.
Với cuộc đua chuyển đổi số mạnh mẽ giữa các ngân hàng hiện nay, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngành tài chính - ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao. Thời gian tới, để nâng tầm nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngân hàng số, các NHTM sẽ tiếp tục xây dựng phương án đào tạo, đào tạo lại nhân sự đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Cùng với đó, đổi mới các phương án, chương trình đãi ngộ, giữ chân nhân sự chất lượng cao; tăng cường đầu tư, chú trọng khâu tuyển dụng, đào tạo. Xây dựng cơ chế làm việc nhanh chóng, rõ ràng, thuận tiện, quy trình tinh gọn, cùng với cơ chế lương, thưởng linh hoạt và phù hợp. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý để điều hành hệ thống ngân hàng đã được số hoá./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin