Được sự quan tâm của tỉnh và bằng các nguồn lực nội tại đầu tư, những năm qua diện mạo đô thị của thành phố Nam Định đã có sự thay đổi rõ rệt theo hướng ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Loạt dự án khu đô thị mới, khu tái định cư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị đang được triển khai xây dựng trong nội thành, ven đô khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mang lại một diện mạo mới hiện đại, đồng bộ, văn minh hơn cho đô thị cổ Thành Nam, tạo thêm những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Phối cảnh cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi. |
Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiện đại, đồng bộ và giữ gìn bản sắc văn hóa, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, mở rộng phát triển không gian thành phố; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ; tập trung thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển thành phố thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Anh Tuấn, những năm qua thành phố đã tập trung để hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để thu hút đầu tư, triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố và nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Các dự án được triển khai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai.
Thành phố đã huy động các nguồn lực tập trung để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên hoàn các khu vực trong thành phố, kết nối thành phố với các địa phương trong tỉnh và hệ thống giao thông tỉnh với giao thông khu vực, quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, năm 2023 nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Quảng trường Hòa Bình; các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, phố (vỉa hè, thoát nước...) như: Hàn Thuyên (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Phù Nghĩa), Hoàng Văn Thụ, Hàng Đồng, Nguyễn Trãi, Bạch Đằng…; xây dựng khu tái định cư phường Lộc Vượng (khu vực Trường Đại học Lương Thế Vinh), xây dựng khu đô thị đường Nguyễn Công Trứ, đường gom Quốc lộ 10 (đoạn từ đường trục Lộc Vượng đến đường Phù Nghĩa)… Cùng với đó, thành phố đang tiếp tục thi công các công trình đang thực hiện đảm bảo tiến độ: Xây dựng khu đô thị mới phía Nam sông Đào; Cầu qua sông Đào (nối từ đường Song Hào với đường Vũ Hữu Lợi); Xây dựng tuyến đường trục phía Nam thành phố (đoạn nối từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng trường tiểu học tại Khu đô thị mới phía Nam sông Đào; Kín hóa tuyến Kênh Gia (đoạn từ đường Phạm Ngũ Lão đến đường Trần Huy Liệu); Xây dựng cải tạo các trường tiểu học: Phạm Hồng Thái, Mỹ Xá, Lê Hồng Sơn, Trần Tế Xương, Trần Phú và Trường THCS Phùng Chí Kiên...
Trên công trường thi công cầu vượt. |
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi có tổng chiều dài khoảng 1,6km, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng do UBND thành phố là chủ đầu tư sau khi hoàn thành không chỉ phát huy vai trò về giao thông mà sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc đô thị, có ý nghĩa lớn về chính trị và văn hóa của thành phố Nam Định. Công trình được hy vọng sẽ góp phần kéo dãn dân cư thuộc khu vực trung tâm thành phố Nam Định sang phía Nam sông Đào, thúc đẩy mở rộng đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thời gian qua thành phố đã tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện các hạng mục đảm bảo tiến độ. Đến tháng 2-2024, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành; nhà thầu xây lắp đang thi công tất cả các mố, trụ, đúc dầm super T; thi công nền đường và hệ thống hào kỹ thuật... Ước khối lượng thực hiện đạt 55% giá trị hợp đồng. Cùng với cầu qua sông Đào, Dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B) có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối với các huyện phía nam tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía nam sông Đào. Về công tác GPMB dự án này, Hội đồng GPMB thành phố đã phê duyệt và tổ chức chi trả phương án GPMB 559/590 hộ, cơ quan; đang tuyên truyền, vận động 10 hộ chưa đồng ý với phương án được duyệt và đang lập phương án đối với 21 hộ còn lại; Hội đồng GPMB huyện Nam Trực đã phê duyệt, tổ chức công bố, chi trả tiền BTHT cho 511/535 hộ, cơ quan trên địa bàn xã Nam Toàn, Nam Cường và Hồng Quang; đang lập phương án đối với 21 hộ còn lại. Hiện nay, nhà thầu đang thi công xử lý nền đường, thi công các lớp cấp phối đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến đường Lê Đức Thọ, nút giao Lê Đức Thọ và phạm vi các khu vực đã giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Nam Trực. Đã cơ bản hoàn thành thi công 3 cầu tại các vị trí Km3+286, Km4+517 và cầu Km5+809,7, thi công xong 9/10 cống hộp lớn ngang đường và đang thi công các cống dọc thoát nước mưa, nước thải trên tuyến; khối lượng hoàn thành lũy kế ước đạt khoảng 35% giá trị hợp đồng.
Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, thành phố Nam Định là đô thị tỉnh lỵ; trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học kỹ thuật, thương mại tài chính và vùng kinh tế động lực của tỉnh đến năm 2030 và năm 2050; là trung tâm kinh tế, là đầu mối giao lưu lớn, có giá trị về văn hóa, lịch sử nổi trội, có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Vì thế, Quy hoạch xác định rõ chức năng của thành phố là trung tâm đô thị động lực chủ đạo (cực phát triển trung tâm) trong 3 vùng kinh tế động lực trọng điểm của tỉnh và giữ vai trò “đầu kéo” thúc đẩy phát triển các địa phương trong tỉnh và là trung tâm giao thương về hàng hóa, dịch vụ và văn hóa, cầu nối giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; liên kết phát triển và hội nhập với các thành phố lớn của khu vực đồng bằng sông Hồng và các vùng kinh tế khác trên cả nước.
Để góp phần thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông để tạo sự đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia. Kết nối đồng bộ và khai thác các Quốc lộ: 21, 21B, 38B (kết nối Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc); 10, 38B (kết nối với các tỉnh phía Nam); 10, 21, 21B (kết nối với Khu kinh tế Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh, đường ven biển). Hoàn thành đầu tư xây dựng đường trục trung tâm phía nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B để kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối các huyện phía nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía nam sông Đào./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin