Khuyến khích hội viên nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

08:27, 08/03/2024

Nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã vận động, khuyến khích hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học  kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của kinh tế nông nghiệp.

HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) sản xuất hoa lan công nghệ cao.
HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) sản xuất hoa lan công nghệ cao.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã triển khai 11 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trên 30 mô hình trình diễn công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và ngành nghề nông thôn. Các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và công nghệ được chuyển giao và ứng dụng nhanh trong sản xuất giống; đã nghiên cứu, tuyển chọn, bổ sung hàng chục giống cây trồng, vật nuôi chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Cùng với đó, hàng năm, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể biogas cho các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại; mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành truyền đạt, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả đã và đang được triển khai trên cả nước. Năm 2023, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 416 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 44 nghìn hội viên, nông dân. HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc Bộ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định”. HND các cấp cũng đã vận động hội viên tham gia xây dựng mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng lớn áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hướng hữu cơ... cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh đã xây dựng được 399 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 18.599ha, trong đó có 3.916ha được bao tiêu sản phẩm. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch, xuất hiện các mô hình nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi giá trị, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP được mở rộng. Trên địa bàn tỉnh có 444 trang trại chăn nuôi, trong đó 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 152 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 282 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, có 31 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh, 4 trang trại quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản phát triển đồng đều trên cả vùng nuôi mặn lợ và vùng nuôi nước ngọt; hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung, chuyển đổi dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, HND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, HTX liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao; trong đó 8 HTX áp dụng công nghệ trong canh tác; 6 HTX áp dụng công nghệ trong nuôi trồng, bảo quản; 3 HTX áp dụng công nghệ cảm biến bán tự động; 3 HTX áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp hữu cơ.

Thực tế cho thấy, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn sản xuất thông thường. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 431 sản phẩm OCOP gồm 376 sản phẩm OCOP 3 sao, 54 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu). Mô hình trang trại tuần hoàn chăn nuôi lợn, cá, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ (Ý Yên). Mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) gắn với đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích, ruốc mỡ đã nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, cung ứng đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao. Mô hình sản xuất rau màu công nghệ Nhật Bản của HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường xã Yên Cường (Ý Yên) áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn. Mô hình sản xuất nông nghiệp vận hành theo quy trình tuần hoàn chất lượng cao của HTX Đình Mộc, xã Giao Tân (Giao Thủy). HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn. HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) sản xuất hoa lan trong khu nhà màng hiện đại cùng với hệ thống điều khiển điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động và bán tự động, nhờ đó có thể trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm, chủ động điều tiết sinh trưởng, phát triển, ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều...

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, các hộ nông dân đã tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc và ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất hiệu quả. Tiêu biểu như huyện Trực Ninh có 307 máy làm đất các loại, 144 máy gặt đập liên hợp, 74 máy cấy, 2 thiết bị bay không người lái; đảm bảo cơ giới khâu làm đất, thu hoạch 100% diện tích; gieo mạ khay - cấy máy chiếm 9% diện tích gieo cấy; có 11 máy sấy, lò sấy nông sản, công suất 199,5 tấn/mẻ và 4 kho lạnh bảo quản sản phẩm nông sản, công suất 2.155 tấn.

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị theo hướng VietGAP, hữu cơ, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ chỗ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô hàng hóa chất lượng cao, thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com