Được sự hỗ trợ, đồng hành của Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank) Chi nhánh Nam Định; các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai phương án tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống QTDND đã từng bước tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng tín dụng, đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Với trợ lực từ vốn Quỹ tín dụng nhân dân Phương Định, nghề sản xuất vải gạc y tế của xã Phương Định (Trực Ninh) đã phát triển ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 42 QTDND hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả. Tổng số có 42.118 thành viên tham gia, bình quân mỗi QTDND có 1.002 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống QTDND đạt 5.484 tỷ đồng, tăng 489 tỷ đồng (9,8%) so với năm 2022, bình quân mỗi QTDND đạt 130,5 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tiền gửi của thành viên, dân cư, tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn với 4.892 tỷ đồng (chiếm 89,2% tổng nguồn vốn), tăng 538 tỷ đồng tỷ lệ (12,3%) so với năm 2022. Dư nợ cho vay thành viên của các QTDND đạt 4.159 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với năm 2022; trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn 3.263 tỷ đồng, dư nợ cho vay trung và dài hạn 895 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 0,32%. Bên cạnh đó, đối với tiền gửi điều hòa, Co-opBank Chi nhánh Nam Định luôn kịp thời điều chỉnh, áp dụng mức lãi suất huy động hợp lý, phù hợp, khuyến khích các Quỹ dư thừa nguồn vốn gửi tại Ngân hàng hợp tác xã để có thêm nguồn lực điều hòa cho những Quỹ có nhu cầu sử dụng vốn lớn.
Hòa nhịp cùng xu thế chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam; kết nối nông thôn - thành thị, mang dịch vụ tài chính ngân hàng tới khắp mọi miền Tổ quốc với chi phí hợp lý; đồng thời tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm bán lẻ trên kênh số, các QTDND trên địa bàn tỉnh đánh dấu sự chuyển mình với một loạt sản phẩm Ngân hàng số như: Co-opbank Mobile Banking, Thẻ Co-opbank Napas, Thẻ GenZ dành cho học sinh - sinh viên, Chuyển khoản nhanh 24/7 tại quầy, Nạp tiền và thanh toán hóa đơn tại quầy,… Qua các sản phẩm ngân hàng số hiện đại, các QTDND đã nâng cao uy tín, tăng cường vị thế, đa dạng hóa sản phẩm và đem lại rất nhiều lợi ích đến với thành viên. Để nâng cao chất lượng dịch vụ Ngân hàng số, Co-opBank Chi nhánh Nam Định thường xuyên đăng ký các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, đào tạo mới cho cán bộ nhân viên QTDND. Trong đó, 38/42 QTDND tham gia hệ thống chuyển tiền điện tử; 20/30 QTDND đã lắp đặt thiết bị nhận thẻ POS và trang bị các mã QR Code nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách hàng chuyển khoản, thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Năm 2023, doanh số chuyển tiền điện tử 24/7 của các QTDND qua hệ thống Napas có 10.042 lệnh với số tiền 1.521 tỷ đồng; doanh số chuyển tiền nội bộ qua số tài khoản tại Chi nhánh có tất cả 3.083 lệnh với số tiền 489 tỷ đồng. Năm 2024, Chi nhánh Co-opBank Nam Định đặt mục tiêu kết nạp 100% các QTDND trên địa bàn tỉnh vào hệ thống chuyển tiền điện tử CF-eBank, đưa các sản phẩm Ngân hàng số hiện đại đến với toàn bộ thành viên QTDND, đặc biệt là tại các vùng nông thôn…
Nhìn chung, hệ thống các QTDND trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp ngày càng quan trọng trong hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, là một kênh huy động vốn quan trọng đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của các địa phương; đồng thời hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Tại xã Phương Định (Trực Ninh), từ nguồn vốn vay của QTDND, nghề ươm tơ dệt lụa của xã đã từng bước được khôi phục, đầu tư nâng cấp máy móc hạ tầng kỹ thuật để “giữ lửa” làng nghề không bị mai một. Anh Đoàn Văn Hướng ở xóm Đông Nam, thôn Cổ Chất là một trong những hộ ở làng nghề vẫn giữ gìn nghề cha ông xưa. Anh Hướng cho biết: “Từ năm 2007, gia đình tôi gặp không ít khó khăn vất vả về vốn do giá thành mua kén tơ rất lớn. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi đều phải nhờ QTDND Phương Định tiếp vốn lưu động khoảng 1 tỷ đồng. Qua nhiều năm tích góp, làm ăn có hiệu quả cộng với được Quỹ thường xuyên giúp đỡ về vốn, hiện tại xưởng của tôi đã hoạt động ổn định với năng suất từ 3-4 tấn tơ/tháng tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân từ 100-250 nghìn đồng/người/ngày”. Cùng với nghề ươm tơ, dệt lụa, nghề dệt vải gạc y tế của xã cũng phát triển mạnh với trợ lực từ vốn QTDND. Chị Vũ Thị Lụa, thành viên HTX Dệt may Trung An ở xóm 3, thôn Cự Trữ cho biết: “Bình quân mỗi năm, chúng tôi đều được QTDND hỗ trợ vay 500 triệu đồng vốn lưu động giúp yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Hiện tại, xưởng dệt của gia đình có 30 máy dệt công nghiệp và thủ công với công suất 15 tấn vải gạc y tế/tháng”.
Với mục tiêu từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, bảo đảm cho hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Thời gian tới, NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND nhằm chấn chỉnh, kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định đối với những QTDND có vi phạm, nhất là các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục; chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu sai phạm; bảo đảm QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và theo đúng quy định của pháp luật. Các QTDND chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn hoạt động; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành, kiểm soát; chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của QTDND nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa bàn hoạt động./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin