Thị trấn Thịnh Long phát triển nghề chế biến nông sản, thủy sản

08:30, 20/02/2024

Phát huy lợi thế du lịch và các ngành kinh tế biển lâu đời (nuôi trồng, khai thác thủy sản) cùng thế mạnh từ đồng đất quê hương, những năm qua, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã đẩy mạnh phát triển nghề chế biến nông sản, thủy sản, qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, thủy sản và tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Chế biến sứa ăn liền tại Công ty TNHH Quý Thịnh, thị trấn Thịnh Long.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Chế biến sứa ăn liền tại Công ty TNHH Quý Thịnh, thị trấn Thịnh Long. 

Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định là doanh nghiệp tiêu biểu trong chế biến thủy sản của Thịnh Long với sản phẩm chủ lực nước mắm Ninh Cơ. Nguyên liệu sản xuất nước mắm là các loại cá biển (cá nục, cá cơm, cá trích) nên Công ty đã liên kết với hơn 80 tàu khai thác hải sản để tạo vùng nguyên liệu ổn định. Công ty cũng đã đầu tư dây chuyền chế biến theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nước mắm (TCVN 7107:2018) với 9 tiêu chuẩn cụ thể, khắt khe và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) công nhận là một trong các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng của tỉnh. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty được Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ “Cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nước mắm dựa trên cơ sở khoa học bổ sung enzyme tự nhiên nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy và loại bỏ đạm động vật gây mùi hôi trong quá trình sản xuất”. Áp dụng công nghệ, Công ty đã rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm truyền thống từ 12 tháng xuống còn 9 tháng; giảm được 10-15% tổn thất đạm trong quá trình chế biến; khắc phục được hạn chế về mùi và màu sắc sản phẩm sáng hơn. Cải tiến mang tính đột phá này đã giúp nước mắm Ninh Cơ mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Bình quân mỗi tháng Công ty cung cấp ra thị trường trên 60 nghìn lít nước mắm. Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Công ty đạt OCOP 4 sao và đã có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị trong toàn quốc. Ngoài ra, 2 sản phẩm khác của Công ty là mắm tôm Ninh Cơ, sứa ăn liền Ninh Cơ cũng đạt OCOP 3 sao.  

Với phương châm “Sản xuất từ Tâm - mãi mãi chữ An”, Công ty TNHH Quý Thịnh đầu tư dây chuyền, thiết bị tiên tiến, hiện đại để chế biến các sản phẩm hải sản như sứa ăn liền, chả mực, chả cá… theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm của Công ty được đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài 2 sản phẩm chả cá thu Tâm An, chả mực Tâm An đạt OCOP 4 sao, sản phẩm xúc xích Sunny của Công ty được chế biến bằng thịt lợn, thịt gà sạch hữu cơ kết hợp thịt cá biển tạo hương vị thơm ngon, giàu đạm cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Doanh thu bình quân mỗi năm của Công ty đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương với mức lương trung bình 5,3 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn  Phong, Giám đốc Công ty được tặng giải thưởng Lương Định Của và là một trong 10 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.

Với lợi thế từ biển và phát triển nuôi trồng thủy hải sản, một số tổ chức, cá nhân tại thị trấn Thịnh Long đã đầu tư nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị chế biến các sản phẩm hải sản. Tiêu biểu Công ty TNHH Cường Là, Công ty TNHH Chế biến hải sản Vạn Hoa, Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh, Công ty TNHH Chế biến hải sản Tân Long… Nhiều đặc sản từ biển của địa phương được chế biến, xây dựng thương hiệu và được thị trường đón nhận như: nước mắm, mắm tôm, chả mực, sứa ăn liền, chả ốc, chả cá. Tháng 8-2023, thị trấn thành lập Hội thu mua chế biến thủy hải sản với hơn 20 hội viên với mục đích tương trợ về kinh nghiệm sản xuất, nguyên liệu chế biến và đầu ra sản phẩm để cùng nhau phát triển.

Ngoài sản vật tôm, cua, cá… từ biển, người dân Thịnh Long còn được thiên nhiên ban tặng cho vùng đồng màu trù phú để canh tác nhiều loại cây màu có giá trị kinh tế cao như lạc tím, rau củ... Người dân địa phương với bản tính chăm chỉ cần cù đã luân canh, gối vụ, xoay vòng đất tối đa với các loại rau màu như: vụ xuân trồng lạc; vụ hè thu trồng dưa lê, dưa hấu; vụ đông trồng các loại bắp cải, su hào, rau ăn lá… cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển kéo theo nghề chế biến nông sản phát triển. Trong đó điển hình là hộ kinh doanh bà Đỗ Thị Cúc xây dựng thành công sản phẩm OCOP “lạc đỏ Thịnh Long”; doanh nghiệp tư nhân Phú Long với các sản phẩm OCOP “Nấm đông trùng hạ thảo Phú Long”, “Rượu ngâm đông trùng hạ thảo Phú Long”, “Rượu ngâm đông trùng hạ thảo mật ong Phú Long”...

Để phát triển nghề chế biến nông sản, hải sản, thị trấn Thịnh Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở; tạo vùng nguyên liệu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến... đồng thời không ngừng tạo mọi điều kiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất về cách xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất; kỹ năng marketing phát triển sản phẩm, giám sát, quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm. Thông qua việc tập huấn, các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tích cực đầu tư KH và CN, nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản, thủy sản. Nhiều nông sản, thủy sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của Thịnh Long ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Hiện trên địa bàn thị trấn Thịnh Long có 8 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản lớn và hàng chục cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến hải sản nhỏ lẻ; có 31 sản phẩm nông sản, thuỷ sản được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Từ sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Thịnh Long. Phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, thị trấn tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, thủy sản. Tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản nhằm phát triển nông nghiệp bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



Thiết bị giá Từ công nghệ mớiXưởng gia công xe cà phê mang đi giá rẻShop: https://haisantrungnam.vn/ sản xuất dầu gội đầu Fushima Chuyên thiết bị bếp công nghiệp

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com