Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) là một trong những xã có dư nợ tín dụng chính sách (TDCS) cao nhất toàn tỉnh. Thời gian qua, xã đã tận dụng tốt nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Chị Trần Thị Bích Liên ở xóm 6, xã Nghĩa Sơn đầu tư kinh doanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. |
Hết ngày 9-1-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn xã đạt hơn 51,7 tỷ đồng với 1.103 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay ủy thác qua Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đạt hơn 29,1 tỷ đồng với 569 khách hàng còn dư nợ; cho vay qua Đoàn Thanh niên xã đạt hơn 22,4 tỷ đồng với 528 khách hàng còn dư nợ. Trên địa bàn xã hiện có 26 tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện cho vay ủy thác 9 chương trình tín dụng, số dư tiết kiệm đến hết ngày 9-1-2024 đạt hơn 2,6 tỷ đồng. Hầu hết các tổ vay vốn đều có dư nợ trên 1 tỷ đồng, chất lượng tín dụng được đảm bảo, không có nợ quá hạn, nợ xấu. Đồng chí Phạm Trí Thịnh, Chủ tịch Hội CCB xã chia sẻ: “Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng CSXH, Ban thường vụ Hội CCB xã luôn bám sát các nội dung ủy thác, nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng CSXH các cấp; chỉ đạo hội viên, các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Hội quản lý thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác, đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt ở cơ sở xóm”. Hội CCB xã hướng dẫn và giám sát bình xét công khai các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đảm bảo đúng quy định. Cùng với tích cực truyền tải vốn, Hội còn phối hợp với các cấp ngành liên quan tổ chức tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp người vay lựa chọn và xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp và sử dụng vốn vay có hiệu quả. Sau khi giải ngân vốn vay, Hội CCB xã phân công tổ chức các buổi kiểm tra, giám sát hộ vay và các tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh, qua đó nâng cao chất lượng TDCS. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm tăng số hộ khá, giàu, giảm đáng kể số hộ nghèo.
Cán bộ Hội CCB xã đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Bích Liên, chủ cửa hàng tranh Tân Art tại xóm 6. Dịp giáp Tết, cửa hàng của chị Liên luôn tất bật đón khách xem và mua tranh. Chị Liên cho biết: “Mỗi dịp Tết đến, đơn hàng mua tranh đều tăng đột biến nên gia đình thường lâm vào cảnh hụt vốn. Được Hội CCB xã tạo điều kiện, gia đình đã tiếp cận và được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện. Có 100 triệu đồng, gia đình tôi đã đầu tư đa dạng các loại tranh ảnh, tranh sơn dầu, tranh tráng gương, đồng hồ decor, decor trang trí nội thất đáp ứng đủ thị hiếu của khách hàng. Bình quân mỗi tháng, gia đình xuất bán được hơn 100 bức tranh mọi kích thước”. Tại xóm 10, hiện có 49 hộ vay vốn với dư nợ đến hết ngày 9-1-2024 đạt hơn 3,6 tỷ đồng, là tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ TDCS lớn nhất toàn xã. Ông Trần Trung Thiên, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết: “Để nguồn vốn tín dụng đạt hiệu quả cao, chúng tôi thực hiện tốt tất cả mọi khâu từ bình xét các hộ, thẩm định dự án đảm bảo tính khả thi, kiểm tra, giám sát thường xuyên mục đích sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng vốn trước và sau khi giải ngân đảm bảo nguồn vốn luôn đến với đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao”. Từ nguồn vốn tín dụng này, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn xóm 10 đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập ổn định, khá giả, tự tin vươn lên làm giàu như hộ ông Trần Văn Sinh với mô hình mua máy gặt, cày bừa phục vụ dịch vụ nông nghiệp, ông Vũ Ngọc Minh đầu tư xưởng cơ khí dân dụng, ông Trần Văn Hiến với mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng…
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội đoàn thể xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 và Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH cấp huyện chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm dành nguồn vốn ngân sách để chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, tự kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, việc sử dụng vốn vay của hộ vay; đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn đọng, lập hồ sơ nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan của người vay vốn. Các hội, đoàn thể sẽ tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung, công đoạn ủy thác để có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác trong thời gian tiếp theo. Bám sát kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác năm 2024 để nắm bắt, đánh giá được thực trạng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hoạt động của tổ trong việc thực hiện chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ nhằm ngăn ngừa sớm những tiêu cực trong quản lý và sử dụng vốn vay. Đồng thời, đề xuất Ngân hàng CSXH, các cấp ngành mở rộng đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đảm bảo phù hợp với tình hình mới, bổ sung thêm nguồn vốn vay giải quyết việc làm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin