Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

08:01, 21/02/2024

Năm 2024, tỉnh dự toán giải ngân 9.049,385 tỷ đồng vốn đầu tư công (VĐTC), trong đó Trung ương giao 4.649,385 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến tăng 4.400 tỷ đồng, tăng 481,992 tỷ đồng (tăng 5,6%) so với năm 2023.

Thi công dự án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Thi công dự án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Để thúc đẩy giải ngân VĐTC năm 2024 theo mục tiêu, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm nhằm tạo ra động lực “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong các khâu chỉ đạo, giám sát, đôn đốc giải ngân. Tỉnh áp dụng phương án quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định pháp luật, tạo quyền chủ động cho các huyện, thành phố và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Yêu cầu các ngành, các địa phương chú trọng giải ngân VĐTC các dự án, chương trình trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ưu tiên tiến độ giải ngân VĐTC các dự án trọng điểm có tính kết nối và tác động liên vùng, đường ven biển có sức lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng phát triển thành phố Nam Định; các dự án thích ứng biến đổi khí hậu; các chương trình, dự án phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Trong đó, ngay từ khâu bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã quan tâm đến tính phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án; chú trọng đảm bảo có thể phân bổ, giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo thời gian quy định; tránh tình trạng chậm phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án. Đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả trong lập kế hoạch đầu tư công. Theo đó, tính riêng tổng VĐTC cần giải ngân từ nguồn phân cấp ngân sách tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí cho các dự án tỉnh trực tiếp điều hành có 109 dự án. Trong đó dự kiến có 100 dự án phải ưu tiên giải ngân với tổng số tiền 3.326,215 tỷ đồng (không bao gồm vốn Ngân sách Trung ương thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản khác, vốn từ tiền thu sử dụng đất giao cho các huyện, thành phố chủ động dự kiến danh mục dự án và số vốn bố trí cho từng dự án phân bổ chi tiết theo quy định tại Nghị quyết HĐND tỉnh) gồm: 4 dự án thuộc danh mục ngân sách Trung ương với số vốn 212,120 tỷ đồng; 96 dự án thuộc danh mục bố trí vốn ngân sách tỉnh với số vốn 3.114,095 tỷ đồng. Các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng đẩy mạnh chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024. Sau khi hợp đồng được ký kết, triển khai ngay các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công.

Do khối lượng công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư công rất lớn, nên các cấp chính quyền, ngành chức năng đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Cùng với đó, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Từ đầu năm (dương lịch) đến nay, mặc dù trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán, song ngay trước và sau Tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, 3 Tổ công tác thành lập theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 14-4-2023 của UBND đã tăng cường kiểm tra trực tiếp tại từng địa phương, theo dõi, đôn đốc công tác chỉ đạo, đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch vốn năm 2024 được bố trí lớn; nhận diện các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để có giải pháp xử lý kịp thời, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo đề xuất ngay đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đặc biệt, nhóm dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng liên vùng được các đồng chí lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt mặt bằng để đảm bảo hoàn tất kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2024 gồm: dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần dự kiến sẽ giải ngân 30 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa tỉnh dự kiến giải ngân 300 tỷ đồng; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển dự kiến giải ngân 1.650 tỷ đồng; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh dự kiến giải ngân 135 tỷ đồng; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dự kiến giải ngân 135 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng dự án PPP xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình dự kiến giải ngân 400 tỷ đồng... Theo Cục Thống kê tỉnh, những ngày đầu năm 2024, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2024; các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư; các công trình chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Với số vốn giao từ đầu năm cao, kết quả giải ngân VĐTC do địa phương quản lý tháng 1-2024 cũng đáng khích lệ, ước thực hiện 1.059 tỷ đồng, đạt 11,7% kế hoạch năm, tăng 160,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó cấp tỉnh 995 tỷ đồng, đạt 11,8%, tăng 166,6%; cấp huyện 42 tỷ đồng, đạt 11,8%, tăng 172,4%; cấp xã 22 tỷ đồng, đạt 9,3%, tăng 26,7%.

Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục thống nhất phương án kiên quyết điều chuyển số vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Các ngành, các địa phương cũng quan tâm hơn đến công tác tập huấn về chế độ, chính sách cho các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư; định kỳ tổ chức hội nghị giao ban hoặc có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư và phổ biến, quán triệt những chỉ đạo của cấp trên về công tác quản lý, giải ngân VĐTC. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu, đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Về phía ngành Tài chính sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp để bảo đảm điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được giao. Kho bạc Nhà Nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7 kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



Dịch vụ mở sổ tiết kiệm lùi ngày nào uy tín nhất
Dịch vụ mở sổ tiết kiệm lùi ngày nào uy tín nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com