Phát triển kinh tế tuần hoàn được cho là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững. Xã Tân Thành (Vụ Bản) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trên quy mô lớn với sự liên kết giữa các hộ trồng hoa, rau màu và chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, xóm 7, xã Tân Thành chăm sóc hoa, cây cảnh. |
Là địa bàn giáp ranh với thành phố Nam Định, lại nằm dọc theo tuyến đê sông Đào nên xã Tân Thành có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất rau màu, hoa, cây cảnh và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sản phẩm từ hơn 20ha rau màu, hoa, cây cảnh và trên 30 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm của xã đều được thị trường ưa chuộng, mang lại việc làm, thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên các hộ trồng trọt và chăn nuôi trong xã vẫn hoạt động nhỏ lẻ, chưa liên kết. Trong khi nguồn chất thải chăn nuôi tại xã được các thương lái thu mua bán đi nơi khác thì các hộ trồng rau màu, hoa, cây cảnh lại phải đi thu mua nguyên liệu phân chuồng đã qua xử lý từ bên ngoài với giá cao về để chăm bón cây trồng.
Nắm bắt được thực trạng bất cập, lãng phí tài nguyên này của các chủ thể sản xuất, từ tháng 4-2023, được sự hỗ trợ, khuyến khích của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 50 hộ dân của xã đã tham gia chương trình liên kết tổ chức lại sản xuất tuần hoàn nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thải ra môi trường, vừa tiết giảm chi phí vừa chủ động nguồn nguyên liệu phân chuồng tại chỗ. Xã được hỗ trợ xây dựng 3 mô hình gồm: nuôi gà sinh sản; trồng rau ăn lá (rau rền, rau mùng tơi, rau cải xanh) với diện tích 3ha và 1ha trồng hoa cúc. Khi tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ với khoảng 4.500 con giống gà siêu trứng M18, thức ăn cho gà, vắc-xin, chế phẩm sinh học; các hộ trồng hoa, rau màu được hỗ trợ giống hạt rau rền, mồng tơi, rau cải, vật tư, phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật cùng các vật tư đi kèm đủ phục vụ canh tác 3ha rau màu và giống cây hoa cúc. Đồng thời được tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; những điều kiện, yêu cầu kỹ thuật để canh tác cây trồng hữu cơ; được chuyển giao quy trình sản xuất tuần hoàn tận dụng tối ưu các phế/phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, giá trị cao, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, giảm thiểu rác thải ra môi trường. Từ đó, các hộ chăn nuôi gà áp dụng quy trình chăn nuôi sinh học sử dụng vỏ trấu và chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng. Theo định kỳ, toàn bộ chất thải chăn nuôi gà được các thành viên thuộc Tổ hợp tác chăn nuôi gà siêu trứng xã Tân Thành thu gom chuyển đến cho các hộ trồng rau màu và hoa, cây cảnh trong xã. Tại đây chất thải của gà tiếp tục được phơi khô, xử lý bằng vôi bột và chế phẩm Tricodema để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, mầm bệnh rồi mới dùng làm phân bón cho rau, hoa cúc.
Sau gần 8 tháng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn theo chuỗi liên kết giữa các hộ chăn nuôi gà và trồng rau màu, hoa cúc đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chi phí sản xuất giảm đi rõ rệt; rau màu cứng cây, đanh lá, thắm sắc, sức chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao hơn hẳn khi sử dụng các loại phân bón công nghiệp trên thị trường. Các hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót cho gà đã tiết giảm tối đa chi phí và công lao động rửa chuồng trại, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường và lại có thêm thu nhập từ chất thải chăn nuôi. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, xóm 7, xã Tân Thành trực tiếp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn cho biết: Xã có nghề trồng hoa, rau màu và chăn nuôi gia cầm nhưng những năm trước đây chúng tôi chưa biết phối hợp để sản xuất. Người chăn nuôi ít thì để chất thải vung vãi ra môi trường; người nuôi nhiều lại mất công gom chất thải, đợi thương lái đến thu mua theo đợt nên lại phải mất công bảo quản, trong khi đó người trồng rau trong xã lại không có phân chuồng để làm đất, bón cây. Như vườn cúc của gia đình tôi, mỗi năm chỉ dùng phân chuồng một lần vào dịp cuối năm trộn cùng đất màu đã phơi khô, để ải dành ươm giống nên lúc cần phân chuồng thì không phải thời điểm hộ chăn nuôi gà dọn chuồng. Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân phổ biến về quy trình xử lý phân, chúng tôi đã biết cách sử dụng phế thải chăn nuôi dùng cải tạo đất cũng như bảo quản đợi mùa vụ sản xuất. Bên cạnh đó vì mục tiêu hướng đến sản xuất tuần hoàn theo hướng hữu cơ, các hộ chăn nuôi cũng ưu tiên dành chất thải chăn nuôi cho hộ trồng rau màu, hoa, cây cảnh nên quá trình sản xuất dễ dàng hơn, hiệu quả kinh tế đạt được vì thế mà cũng cao hơn.
Thành công của mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại hiệu quả cho các hộ làm thí điểm mà còn là dẫn chứng đầy sức thuyết phục cho các hộ sản xuất trong xã tham khảo làm theo, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Quy mô sản xuất ngày càng phát triển, từ đó thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác tuần hoàn theo hướng hữu cơ, khai thác tối đa lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2023, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao với trên 95% lao động có việc làm, trong đó có 88,55% lao động qua đào tạo, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp của xã đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Xã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực địa phương như: sản phẩm trứng gà tươi Mạnh Tuyết đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; rau màu, hoa cúc, cây bóng mát, lương thực, thực phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin