Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế

08:16, 08/12/2023

Để phục vụ người nộp thuế thực hiện pháp luật thuế được tốt nhất, trong nhiều năm qua ngành Thuế luôn tiên phong, triển khai mạnh mẽ và hiệu quả nhiều chương trình, hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực quản lý, thu ngân sách Nhà nước.

Sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử tại Siêu thị GO!.
Sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử tại Siêu thị GO!.

Điểm nhấn trong lộ trình CĐS của ngành Thuế phải kể đến việc triển khai tập trung, thống nhất theo ngành dọc trên toàn quốc từ Tổng cục Thuế nên rất thuận lợi trong đảm bảo tính đồng bộ, liên thông từ hệ thống thiết bị, đến các phần mềm CNTT, dữ liệu số. Cục Thuế tỉnh đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) thay thế 16 ứng dụng quản lý thuế phân tán tại Cục Thuế và các Chi cục Thuế, đáp ứng việc xử lý dữ liệu thống nhất cho tất cả các quy trình nghiệp vụ như đăng ký thuế, quản lý hồ sơ, quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa, quản lý nợ thuế… Với việc triển khai hệ thống TMS, đến nay cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Thuế đã được tích hợp tập trung, áp dụng cho tất cả các sắc thuế và thực hiện thống nhất trong toàn ngành. Đây cũng là nền tảng để Cục Thuế tỉnh triển khai các dịch vụ về thuế điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ về hiện đại hóa và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế.

Năm 2023 ngành Thuế đẩy mạnh CĐS, điện tử hóa công tác quản lý thuế với hàng loạt phần việc điển hình như: Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế vận hành, sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận về hóa đơn. Khi cần tập trung kiểm soát những hàng hóa trọng điểm rủi ro, công cụ Big Data và AI sẽ giúp cơ quan thuế sàng lọc được những hóa đơn mua bán mặt hàng với giá bất thường, nhận diện các trường hợp cần phân tích chuyên sâu, giám sát, giúp ngăn chặn kịp thời gian lận hoàn thuế. Đồng thời, việc áp dụng phân tích nâng cao trong công tác quản lý hóa đơn cũng sẽ xác định chuỗi doanh nghiệp có phát sinh giao dịch mua bán cùng loại mặt hàng; tìm những chuỗi có đặc điểm bất thường, phân tích chuyên sâu hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Đặc biệt, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngành Thuế đang chuyển đổi toàn bộ mã số thuế sang mã số định danh cá nhân. Đây là giải pháp sẽ giúp cho ngành Thuế cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý dữ liệu thông tin của các doanh nghiệp, người nộp thuế. Căn cứ trên dữ liệu xác thực và dữ liệu định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, ngành Thuế đã tổ chức đối chiếu, so sánh giữa dữ liệu mã số thuế cá nhân và dữ liệu dân cư. Đối với các trường hợp sai lệch, ngành Thuế sẽ hướng dẫn người nộp thuế thay đổi để hiệu đính thông tin chính xác. Riêng các trường hợp cấp mã số thuế mới từ tháng 7-2022, ngành Thuế đã đồng bộ với mã số định danh công dân.

Thực hiện phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” ngành Thuế còn gia tăng cung cấp dịch vụ thuế điện tử tiện ích để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc chấp hành các thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế. Năm 2023 ngành Thuế đẩy mạnh triển khai chương trình hoá đơn điện tử để toàn bộ người dân, doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện tử theo chuẩn định dạng thống nhất, có kết nối, chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu lớn và quan trọng nhất của nền kinh tế, lưu trữ tất cả các giao dịch mua bán của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Từ đó góp phần xử lý minh bạch nguồn thu từ phía cơ quan thuế, tạo cơ sở để người kinh doanh bán hàng xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tạo điều kiện cho người nộp thuế lấy hóa đơn sau mỗi lần giao dịch. Không chỉ sử dụng cho công tác quản lý thuế, cơ sở dữ liệu từ chương trình hoá đơn điện tử còn phục vụ các chức năng quản lý vĩ mô khác của Nhà nước.

Cơ quan thuế các cấp còn thông qua các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội như: facebook, fanpage, zalo, email... để hỗ trợ trực tuyến người dân, doanh nghiệp, cung cấp thông tin, hướng dẫn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước. Đáng kể, dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Thuế đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc đáp ứng tốt nhất các tiêu chí “toàn trình” và “toàn dân” vào đầu tháng 11-2023...

Thời gian tới, ngành Thuế tỉnh tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý thuế tập trung trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo AI, vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)… Tái thiết kế các quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng CNTT trong hỗ trợ tự động hóa tối đa theo luồng xử lý công việc. Tích cực tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; kỹ năng quản trị vận hành hệ thống CNTT cho cán bộ, công chức, để cùng tham gia vào quá trình CĐS và sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số. Đẩy mạnh thực hiện các quy trình quản lý thuế đối với mọi sắc thuế trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu mới trong quản lý thuế như quản lý hoạt động thương mại điện tử, xuyên biên giới.

Với những nỗ lực kể trên, ngành Thuế tỉnh hướng đến mục tiêu góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh và của quốc gia./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com