Kích cầu sức mua của thị trường nội địa

08:41, 07/12/2023

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 của tỉnh ước đạt 68.900 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2022. Việc đạt được mức tăng trưởng 2 con số từ bán lẻ hàng hóa trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, sức mua giảm, nhiều ngành hàng chủ lực sụt giảm đơn hàng cho thấy sự tích cực chỉ đạo, điều hành hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng; sự nỗ lực vượt khó, duy trì, kích thích sức tiêu dùng hàng hoá các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Nhờ chủ động nâng cao chất lượng, đảm bảo đạt quy chuẩn OCOP cho các sản phẩm “Trà củ sen VIAGRI” và “Tinh bột củ sen”, Công ty Cổ phần VIAGRI, xã Trực Chính (Trực Ninh) ngày càng tiêu thụ được nhiều sản phẩm.
Nhờ chủ động nâng cao chất lượng, đảm bảo đạt quy chuẩn OCOP cho các sản phẩm “Trà củ sen VIAGRI” và “Tinh bột củ sen”, Công ty Cổ phần VIAGRI, xã Trực Chính (Trực Ninh) ngày càng tiêu thụ được nhiều sản phẩm.

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, khi nắm bắt được dấu hiệu xuất khẩu gặp khó, các cấp, các ngành chức năng đã gia tăng các chương trình, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thị trường trong nước. Hàng loạt chương trình liên kết vùng, xúc tiến thương mại đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối họp với các ngành chức năng tổ chức như: Toạ đàm kết nối doanh nghiệp nông nghiệp góp phần quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP của tỉnh; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn; Hội nghị xúc tiến thương mại và Phiên chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn năm 2023. Sở NN và PTNT còn tổ chức cho Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh và một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trực tiếp nghiên cứu thị trường, hợp tác kết nối, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các tỉnh bạn...

Theo đồng chí Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở luôn chú trọng bám sát các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của các tỉnh, thành phố trên cả nước để kịp thời thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá. Sở còn tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm ở các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh. Tổ chức đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác tiềm năng tại Chương trình “Kết nối doanh nghiệp tỉnh Nam Định” ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5-2023 và Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” ở thành phố Hà Nội. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình tập huấn hướng dẫn cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực quản lý, thực hiện Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại phía Bắc do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc. Dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12-2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp tham gia “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia” và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023 trên địa bàn tỉnh nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã tích cực thúc đẩy dịch vụ du lịch nội địa, thu hút mạnh du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch tại Nam Định. Ước cả năm 2023, tỉnh đón 1,680 triệu lượt khách, tăng 62,1%; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch dịch vụ ước đạt 525 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2022. Với số lượng du khách kể trên đã góp phần gia tăng sức mua sắm hàng hoá, đặc biệt là các nông sản, thực phẩm có tính chất đặc sản, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Nam Định về làm quà lưu niệm, biếu tặng. Các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, chính sách thúc đẩy thị trường trong nước phục hồi, tiêu dùng nội địa khởi sắc do Chính phủ ban hành như là Nghị định 44/2023/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 30-6-2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023 góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và kích cầu tiêu dùng...

Người dân thành phố Nam Định mua sắm hàng hoá tại siêu thị Go!
Người dân thành phố Nam Định mua sắm hàng hoá tại siêu thị Go!

Các doanh nghiệp cũng nỗ lực gia tăng các giải pháp thích ứng với bối cảnh thị trường xuất khẩu biến động mạnh, người tiêu dùng trong nước cũng đang thắt chặt chi tiêu, khai thác sâu thị trường nội địa. Năm 2023 dệt may là một trong những ngành bị sụt giảm lớn về sức mua và đơn hàng xuất khẩu ở những đối tác và thị trường truyền thống nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực khai thác thêm nhiều thị trường mới ở nước ngoài; nhiều doanh nghiệp tạm gác mục tiêu lợi nhuận, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm kích cầu, tăng sức mua của thị trường trong nước. Để nâng cao năng lực khai thác thị trường nội địa, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã tập trung đầu tư, đổi mới, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất theo hướng xanh hóa và sản xuất tuần hoàn, giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, hạ giá thành; liên kết với một doanh nghiệp tại Nhật Bản sản xuất các loại vải cao cấp may áo vest theo kỹ thuật và công nghệ của đối tác giúp nâng công suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải đồng phục chất lượng cao, Công ty còn tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm vải chất lượng cao mới như: CVC, CV, vải pha lông cừu, cotton… Nhờ đó, Công ty đã được Tổng Công ty Đức Giang - CTCP và một số doanh nghiệp may nội địa đặt mua vải để sản xuất đồng phục và veston; nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành Dệt may Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ cho sản phẩm của doanh nghiệp may trong nước.

Theo Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định, để khai thác thị trường nội địa trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu rất phong phú, đa dạng về chất liệu, chủng loại, kiểu dáng, các đơn vị, doanh nghiệp trong Hiệp hội đều chú trọng đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh; Đầu tư hiện đại hóa, mở rộng kênh phân phối tại các tỉnh, thành phố. Nhờ đó, dù sức mua giảm nhưng các nông sản tiêu biểu của tỉnh luôn được người tiêu dùng tại thị trường nội địa tiếp cận, tìm mua, như là: Gạo sạch Toản Xuân, mật ong Danh Vị, gạo Quỳnh Thanh, nông sản sấy Minh Dương, ngao sạch Lenger, thủy sản Thành Vui, muối sạch Nam Định, giò 7 phút Nam Phát, thịt lợn sạch Hiền Thục, Công Danh và nhiều sản phẩm truyền thống như: Nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Lâm Bão, yến sào Đinh Thuận, sừu châu Kim Thành Hoa, bánh nhãn Hải Hậu...

Để tiếp tục tạo tăng trưởng cho tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân. Gia tăng các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá; thúc đẩy hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết hợp với phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kích thích mua sắm trực tuyến. Các ngành chức năng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động đa dạng hoá sản phẩm với giá cả cạnh tranh; tạo sự liên kết để có được chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn nhằm giúp sản phẩm hàng hoá tiếp cận nhanh và hiệu quả với người tiêu dùng trong nước; bám sát diễn biến của thị trường để có kế hoạch sản xuất cụ thể, cân đối sản lượng phù hợp đối với từng mặt hàng. Riêng những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, cần tận dụng làn sóng mua sắm hai dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn để khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Như vậy, thị trường nội địa đã phát huy tốt vai trò là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp trong mọi tình huống; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục là giải pháp hữu hiệu các doanh nghiệp cần thực hiện, nhất là khi đơn hàng xuất khẩu vẫn đang gặp khó và khó đoán định./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com