Tập trung thực hiện chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân

20:06, 11/12/2023

Chuẩn bị cho việc tưới, tiêu nước cho sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, các huyện, thành phố và các Công ty thủy nông của tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 783/UBND-VP3 ngày 9-10-2023, đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Lực lượng Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi huyện Vụ Bản nạo vét kênh tiêu phục vụ sản xuất vụ xuân 2024 tại địa bàn xã Đại Thắng.
Lực lượng Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi huyện Vụ Bản nạo vét kênh tiêu phục vụ sản xuất vụ xuân 2024 tại địa bàn xã Đại Thắng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vụ đông xuân 2023-2024, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường. Tổng lượng mưa từ tháng 11-2023 đến tháng 2-2024 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%. Lượng dòng chảy trên lưu vực sông Hồng, sông Đáy thiếu hụt từ 30-40% so với cùng kỳ năm trước nên khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu gây thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất… Vì vậy để sản xuất vụ xuân năm 2024 đạt năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch làm thuỷ lợi nội đồng vụ đông xuân 2023-2024. Các huyện, thành phố, các Công ty thủy nông của tỉnh đã tổ chức phát động chiến dịch ra quân làm thuỷ lợi nội đồng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn.

Theo tổng hợp của Sở NN và PTNT, từ đầu tháng 11-2023, các huyện, thành phố, các Công ty thủy nông của tỉnh đã đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng. Hiện các địa phương đang tranh thủ thời tiết hanh khô khẩn trương đắp ấp trúc bờ vùng, bờ thửa kết hợp làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; vớt bèo rác giải tỏa các vật cản, đăng đó trên toàn hệ thống kênh, mương để khơi thông dòng chảy, chống ách tắc; tiến hành giải tỏa các điểm vi phạm hành lang công trình thủy lợi, lấn chiếm cản trở dòng chảy của các tuyến sông tiêu theo đúng Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh về quản lý và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, đất đai, hành lang bảo vệ đê điều, xả thải vào nguồn nước, quản lý khai thác, vận chuyển bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, thiết kế, lập dự toán kinh phí và nghiệm thu các công trình thuỷ nông nội đồng từ cấp II trở lên, Phòng NN và PTNT huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Nam Ninh tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch làm thuỷ lợi nội đồng cho từng xã, thị trấn; phân công cán bộ giúp UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình triển khai làm thủy lợi nội đồng ở từng địa phương. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo đài truyền thanh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, của UBND tỉnh và của Sở về chiến dịch làm thuỷ lợi nội đồng để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân biết và tích cực tham gia hưởng ứng; kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân xuất sắc trong triển khai thực hiện chiến dịch, tạo không khí thi đua sôi nổi tại các địa phương.

Nhân dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) xây dựng hệ thống kênh tiêu nước phục sản xuất vụ xuân 2024.
Nhân dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) xây dựng hệ thống kênh tiêu nước phục sản xuất vụ xuân 2024.

Theo kế hoạch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh phấn đấu đào đắp trên 1 triệu 367 nghìn m3 đất, xây gạch đá 4.498m3, đổ 1.186m3 bê tông; sửa chữa 196 cống dưới đê, cống điều tiết, cống cấp II; đào đắp, sửa chữa, xây mới 4.640 kênh cấp I, II, III; nạo vét 35 cửa cống, 33 bể hút trạm bơm; sửa chữa 407 máy bơm, 16 máy đóng mở, thiết bị khác và duy tu bảo dưỡng toàn bộ máy bơm, thiết bị tại các trạm bơm. Trong đó các Công ty Thủy nông của tỉnh đào đắp gần 109 nghìn m3 đất, nạo vét gần 95 nghìn m3 bùn đất tại các cửa cống, bể hút. Giám đốc Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà Nguyễn Xuân Bách cho biết: Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao nên ngay từ đầu tháng 11-2023, tranh thủ thời tiết thuận lợi, Công ty đã chủ động phối hợp với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tổ chức huy động nhân lực, máy móc tập trung nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, kênh mương, tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng máy bơm và các thiết bị phụ trợ... Đến đầu tháng 12-2023, Công ty đã hoàn thành trên 80% khối lượng nạo vét, đào đắp theo kế hoạch; hoàn thiện 100% phần việc duy tu, bảo dưỡng máy bơm, thiết bị tại các trạm bơm, bảo đảm sẵn sàng vận hành an toàn, hiệu quả nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2023-2024.

Tại huyện Vụ Bản, Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Vụ Bản và các HTX đã huy động lực lượng, máy múc tổ chức làm mới, đào đắp, nạo vét các công trình đầu mối, cống đập cấp III, tổ chức kiên cố các tuyến kênh tưới, nạo vét các bể hút trạm bơm… với tổng khối lượng đào đắp trên 22 nghìn m3. Hầu hết các công trình thủy lợi nội đồng phục vụ tưới, tiêu nước tại các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vùng cánh đồng lớn, vùng cây vụ đông tập trung theo quy hoạch và những vùng khó tưới, vùng trũng thấp. Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Vụ Bản Trần Đăng Lạp cho biết: Quyết tâm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nạo vét, sửa chữa cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi, Công ty đang huy động các loại máy múc nạo vét kênh tiêu, đối với kênh tưới huy động nhân công tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các xã Liên Bảo, Tân Khánh, Đại Thắng, Thành Lợi… với tổng chiều dài hơn 11 nghìn mét kênh tiêu các loại; đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Một số HTX làm tốt kế hoạch thủy lợi nội đồng là: Kim Thái, Liên Minh, Đại Thắng, Hiển Khánh, Thành Lợi…

Phát huy vai trò chủ lực, các Công ty thủy nông của tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp ra quân nạo vét kênh mương kết hợp làm đường nội đồng theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, tu bổ, sửa chữa nâng cấp công trình kênh mương, cống đập cấp I, cấp II. Tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác. Hiện nay, trên địa bàn các huyện đang có nhiều dự án làm đường giao thông cắt ngang các tuyến kênh, mương, vì vậy UBND các huyện đã chủ động làm việc với chủ đầu tư đề nghị tập trung thi công những vị trí cống trên các tuyến kênh, mương để giải phóng nhanh dòng chảy, tạo thuận lợi cho việc bơm tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất vụ xuân. Tuy nhiên, trên một số tuyến sông, tuyến kênh vẫn còn tình trạng vi phạm công trình thủy lợi như: làm nhà trên mái kênh, lòng kênh; xả nước, rác thải ra lòng kênh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến công tác điều hành nước tưới trước mắt cũng như lâu dài.

Tích cực triển khai làm thủy lợi nội đồng là biện pháp thiết thực góp phần khai thác, phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi, đảm bảo phục vụ sản xuất giành thắng lợi./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com