Năm 2023, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công gắn với chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục chuyển biến với kết quả đáng ghi nhận. Theo công bố ngày 28-11-2023 tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Nam Định xếp thứ 7 cả nước về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Tổng điểm của tỉnh đạt 80,1/100 điểm; tăng 17,4 điểm so với năm 2022, vượt từ mức nhóm các tỉnh đạt chất lượng trung bình lên nhóm các tỉnh đạt chất lượng tốt; hầu hết các nhóm chỉ số thành phần đều đạt kết quả cao và cao hơn bình quân cả nước.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường số. |
Theo đó, nhóm chỉ số công khai, minh bạch đạt 11,8/18 điểm (điểm trung bình cả nước là 12,4 điểm). Nhóm chỉ số tiến độ giải quyết đạt 18,6/20 điểm (cao hơn 0,7 điểm so bình quân cả nước). Nhóm chỉ số dịch vụ trực tuyến đạt 7,7/12 điểm (cao hơn 2,5 điểm so với bình quân cả nước); trong đó tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã có 50,77% TTHC cung cấp DVCTT toàn trình, 16,82% TTHC cung cấp DVCTT một phần, còn lại 32,41%, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 65,75%, bằng 455.519/669.532 hồ sơ. Nhóm chỉ số thanh toán trực tuyến đạt 9,5/10 điểm (cao hơn 4,5 điểm so với bình quân cả nước); trong đó tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tiếp đạt 60,93%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 84,03%, tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 40,17%. Nhóm chỉ số mức độ hài lòng đạt 17,8/18 điểm (cao hơn 0,3 điểm so với cả nước). Nhóm chỉ số số hóa hồ sơ đạt 14,8/22 điểm (cao hơn 4,6 điểm so với cả nước). Nỗ lực nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và thực hiện TTHC trên môi trường một cửa đã giúp Trung tâm hành chính, một cửa điện tử phát huy tối đa hiệu quả, đúng với vai trò lịch sử và theo quy luật. Trước đây, số người dân đến giao dịch trực tiếp tại Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh khoảng 400-500 người/ngày, hiện đã giảm còn 150-200 người/ngày.
Đạt được kết quả kể trên, các ngành, các địa phương đã nỗ lực đổi mới, hoàn thiện chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công dưới sự chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền. Từ ngày 1-1-2023, 100% Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa hồ sơ, TTHC vượt thời gian so với quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, qua đó góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành như dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe... Nam Định đã hoàn thành kết nối Cổng cung cấp DVCTT tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và liên tục dẫn đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao trong thực hiện Đề án 06. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi mã định danh điện tử mới theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22-7-2020 về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc nâng cấp kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân và xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ phục vụ việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC. Tỉnh cũng ban hành và tích cực triển khai hiệu quả Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 8-8-2023 triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Từ đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt việc yêu cầu công dân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận lại nơi cư trú khi thực hiện TTHC. Các cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh cung cấp các DVCTT toàn trình lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chỉ đạo công chức, viên chức giải quyết hồ sơ TTHC bảo đảm thời gian quy định, nâng tỷ lệ hồ sơ trả trước hạn.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện TTHC tiếp tục được hoàn thiện; việc tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đều có chuyển biến tích cực so với năm 2022. Tại Bộ phận Một cửa các cấp đã tích cực rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn; đã hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên, công tác phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát được chỉ đạo quyết liệt.
Tuy vậy, công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số sở, ngành, địa phương chưa nghiêm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Ngoài ra, do nhiều nội dung mới nên các ngành, địa phương gặp không ít vướng mắc, bất cập, đặc biệt trong các vấn đề số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC, tái cấu trúc quy trình TTHC. Vẫn còn sự lúng túng trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cắt giảm những thông tin đã có trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và tái sử dụng dữ liệu…
Trước những bất cập còn tồn tại, cùng với bối cảnh Nam Định đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đã và tiếp tục đón các làn sóng đầu tư mới, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương cần chú trọng xác định, nắm bắt rõ hơn và quyết liệt thực hiện những điểm mới của công tác cải cách hành chính nhằm giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp thông tin và DVCTT cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh triển khai Hệ thống thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC, DVCTT trên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh; tập trung đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết TTHC đến cấp xã; triển khai thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục… Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước của tỉnh đảm bảo đúng tiến độ theo quy định tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng việc kết nối, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giảm giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các DVCTT. Tỉnh cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc tích hợp cung cấp DVCTT, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho địa phương (đặc biệt là nghiệp vụ rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết liệt thực hiện những điểm mới của công tác cải cách hành chính, tỉnh hướng đến mục tiêu ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin