Chủ động bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

19:05, 12/12/2023

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đây là dịp cao điểm mua sắm trong năm. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, các sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của thị trường thế giới và trong nước nên giá cả có nhiều biến động. Tuy nhiên, đây là đợt tiêu dùng lớn nhất trong năm nên dự báo sức mua hàng hóa Tết Nguyên đán năm nay của người dân sẽ tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến như giò, chả, nem, thực phẩm công nghệ như bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn, hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu, hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại...

Cơ sở sản xuất bún, miến, bánh đa khô tại xã Trực Cường (Trực Ninh) chuẩn bị hàng hóa cho dịp tiêu dùng Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cơ sở sản xuất bún, miến, bánh đa khô tại xã Trực Cường (Trực Ninh) chuẩn bị hàng hóa cho dịp tiêu dùng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch khảo sát, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, thực hiện chương trình kết nối cung - cầu; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở cung ứng những mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm kinh doanh, bố trí tổ chức các hội chợ, chợ hoa, điểm bán hàng phục vụ Tết… Đặc biệt, Sở cũng phối hợp lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường công tác ngăn chặn, triệt phá các ổ, nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm để đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lợi bất chính, nhất là kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Trên cơ sở định hướng của Sở Công Thương và xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan thiếu hàng hóa, mất cân đối cung, cầu trong dịp mua sắm cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Qua khảo sát thực tế ngay từ đầu quý IV-2023 nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai phương án kết nối với các nguồn cung, đàm phán với nhà cung cấp để bảo đảm về mặt số lượng, giá cả, sẵn sàng tăng sản lượng hàng hóa 10-20% so với dịp Tết Nguyên đán 2023 và 50% so với ngày thường. Tại Siêu thị GO!, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã gần như hoàn tất. Ngay từ tháng 9-2023, đơn vị đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng hóa tăng 20% so với năm trước để giữ giá bình ổn và lựa chọn được nhiều ưu đãi từ phía nhà cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh chuẩn bị lượng hàng hóa với giá ổn định, Siêu thị tổ chức các chương trình khuyến mãi mạnh, giảm sâu cho người tiêu dùng trong dịp Tết và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12-2023 đến hết tháng 2-2024. Theo đó từng nhóm hàng hóa và mức chiết khấu phù hợp với từng thời điểm và đặc thù tiêu dùng của nhân dân với hình thức khuyến mại đa dạng.  Tại hệ thống cửa hàng Winmart+, MinMart; hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, cơ cấu các mặt hàng đã có sự thay đổi rõ rệt so với những tháng trước, tăng cường bày bán các sản phẩm phục vụ tiêu dùng dịp Tết như miến, măng, mộc nhĩ, bánh đa nem, dầu ăn, các loại gia vị, giấy ăn, bánh kẹo, bia, nước giải khát, các loại hạt khô… Để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng sử dụng trải nghiệm sản phẩm có nhu cầu cao dịp Tết, các cửa hàng này đều đã và đang áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá trực tiếp từ 20-50%, hay “mua 2 tặng 1”…

Không chỉ các doanh nghiệp, đại lý lớn mà thời điểm này, các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống hay các hộ kinh doanh thời vụ Tết cũng đang tích cực nhập hàng, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú, giá cả ổn định, cạnh tranh trong dịp mua sắm cuối năm 2023, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Các đơn vị, hộ kinh doanh đặc biệt làm tốt việc kết nối, khai thác nguồn hàng hóa nông sản, các mặt hàng đặc sản, truyền thống của các tỉnh, thành phố trên cả nước để phục vụ nhu cầu thị trường; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, trợ giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hiếm hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các lực lượng chức năng đẩy mạnh theo dõi tình hình giá cả, cung, cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng đa dạng các mặt hàng hóa dịp Tết, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm để người dân được vui Xuân, đón Tết đầy đủ, an vui./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com