“Điểm bán hàng Việt” là mô hình cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng do Bộ Công Thương đề xuất triển khai nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng thành công 2 “điểm bán hàng Việt” cố định trên địa bàn thành phố Nam Định. Các mô hình này đã trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân, là một trong những kênh phân phối, đưa hàng hóa Việt đảm bảo chất lượng đến với người tiêu dùng, góp phần phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.
Người dân mua sắm tại điểm bán hàng Việt tại Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định, số 11, đường D4, Khu đô thị Dệt May Nam Định. |
Với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, năm 2023, Sở Công Thương đã tổ chức thêm 1 “điểm bán hàng Việt” tại số 11, đường D4, Khu đô thị Dệt May Nam Định do Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định phụ trách. “Điểm bán hàng Việt” được lựa chọn để xây dựng đảm bảo các tiêu chí cơ bản như: Hàng hóa được bày bán tại đây phải đạt 100% là hàng hóa sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm… Tại “điểm bán hàng Việt” do Sở Công Thương tổ chức đã có hàng nghìn mặt hàng là nông, lâm, thủy, hải sản; hàng công nghệ phẩm do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó, có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, có những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP nổi tiếng như: Gạo sạch Toản Xuân; nước mắm Ninh Cơ, Lâm Bão; muối sạch, muối dược liệu; thủy hải sản Hùng Vương; nông sản sấy khô Minh Dương; rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh; nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát… Ngoài ra, các “điểm bán hàng Việt” còn có cả những đặc sản nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước, như chè khô Thái Nguyên; nấm, mật ong rừng Tây Bắc; bún, miến Cao Bằng, Điện Biên; bánh cáy Thái Bình; bánh cốm Hà Nội… và nhiều loại rau củ quả tươi sống các vùng miền. Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương tới người tiêu dùng. Đây cũng được xem là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt một cách bền vững.
Đồng chí Bùi Minh Thúy, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở Công Thương) cho biết: Ngay khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương về xây dựng các “điểm bán hàng Việt”, Sở đã tiến hành khảo sát thực tế trên địa bàn các huyện, thành phố về cơ sở vật chất, nhu cầu tiêu thụ, trong đó, tập trung khảo sát ở khu vực tập trung dân cư. Theo hướng dẫn của ngành chức năng, điểm bán hàng được chọn xây dựng phải đáp ứng đủ các tiêu chí: diện tích cửa hàng tối thiểu phải đạt 60m2 trở lên; hàng hóa được trưng bày theo kiểu cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh, có biển hiệu (theo ma-két hướng dẫn của Bộ Công Thương). Hàng hóa kinh doanh trong điểm bán hàng phải là 100% hàng hóa được sản xuất trong nước, đảm bảo đúng, đầy đủ điều kiện đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật. Với những tiêu chí đó, Sở Công Thương đã lựa chọn Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định là đơn vị phối hợp xây dựng mô hình “điểm bán hàng Việt”. Đến nay, Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định duy trì hiệu quả mô hình với hàng nghìn sản phẩm Việt được bày bán thường xuyên, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Bà Tống Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định cho biết: Tiêu chí của mô hình “điểm bán hàng Việt” cũng chính là phương châm kinh doanh của Công ty từ khi thành lập đến nay. Được Sở Công Thương lựa chọn hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, ngoài việc được hỗ trợ quầy hàng, kệ hàng, thiết bị bảo quản hàng hóa, đèn chiếu sáng, hệ thống biển hiệu quảng cáo theo mẫu quy định, Công ty còn được hỗ trợ tuyên truyền trực quan và qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ngày càng tin dùng hàng Việt nói chung và sản phẩm do Công ty cung ứng. Người quản lý và nhân viên trực tiếp tham gia bán hàng tại “điểm bán hàng Việt” còn được tư vấn nhiều kỹ năng liên quan đến việc thực thi những quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm; quản lý hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm và giao dịch thương mại. Sau một thời gian ngắn khai trương, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng có chất lượng cao sản xuất trong nước.
Điểm bán hàng Việt được đưa vào khai thác đã khắc phục những hạn chế của hệ thống phân phối hàng Việt trước đây khi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững; người tiêu dùng chưa thể phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng tốt với hàng hóa gắn mác Việt bán trôi nổi trên thị trường. Phát huy hiệu quả của mô hình “điểm bán hàng Việt”, Sở Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, lựa chọn xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, nhằm giúp người dân được mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; tạo dựng hình ảnh, uy tín và lòng tin của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất trong nước./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin