Hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

06:54, 03/08/2023

Từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, hội viên nông dân trong tỉnh đã tích cực phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Nông dân xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) phát triển mô hình nuôi cá Koi, cá trắm đen.
Nông dân xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) phát triển mô hình nuôi cá Koi, cá trắm đen.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, Hội Nông dân (HND) tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tham gia, đảm nhận phần việc cụ thể trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó tiếp tục vận động nông dân ủng hộ, nâng cấp kết cấu hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa; tham gia tiêu chí bảo vệ môi trường nông thôn; tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị, từng bước phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 183 mô hình kinh tế tập thể với gần 3.000 thành viên tham gia. Trong 5 năm qua, hội viên nông dân tiếp tục hiến 74.338m2 đất; góp 10.629 ngày công và đóng góp trên 12 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Có tất cả 209 cơ sở Hội, 2.018 chi Hội có mô hình, việc làm cụ thể tham gia xây dựng NTM. Tiêu biểu như các mô hình: “Vườn kiểu mẫu”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng”, trồng và chăm sóc hàng cây nông dân. Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được nhân rộng; đến nay đã có 9 huyện triển khai xây dựng mô hình ở 153/201 cơ sở và 1.455 chi Hội. 100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các cấp Hội còn tích cực hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đã trồng 204 hàng cây nông dân, tổng chiều dài 95,86km; nhận chăm sóc 209 hàng cây với tổng chiều dài 163,4km. Điển hình như tại huyện Hải Hậu, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên thực hiện nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo định hướng chung: “Đường có điện, có hoa; nhà có tên; sông không rác; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận”. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch vận động hội viên và nhân dân phân loại rác thải, đào hố xử lý rác thải mềm tại hộ gia đình, làm vườn, ao kiểu mẫu, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng. Kết quả đến nay, HND các xã, thị trấn đã vận động nông dân đào trên 20 nghìn hố rác tại hộ gia đình; 41.246 hộ sử dụng thùng ủ và hố rác có nắp đậy xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh. Xây mới và khôi phục gần 1.000 bể, thống thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng; tiếp tục đóng góp công sức, tiền của để nâng cấp hệ thống đường giao thông, nhà văn hoá xóm, tổ dân phố, hệ thống điện chiếu sáng, làm kè kiên cố hóa kênh mương; tham gia vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, chỉnh trang khuôn viên gia đình sáng - xanh - sạch - đẹp. 34/34 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện, vận động trên 1.800 hộ gia đình đăng ký xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu”. Vận động gần 17 nghìn hội viên mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua tổ chức Hội. Chủ động phối hợp với các công ty triển khai thực hiện các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, xây dựng bể bioga… giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, sản xuất thực phẩm sạch, an toàn đạt hiệu quả. Tại huyện Vụ Bản, 5 năm qua, các cấp HND đã thành lập 171 tổ tự quản vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư; xây dựng 35 tuyến đường cây do Hội trồng và chăm sóc với tổng chiều dài 17.650m, trong đó có 25 tuyến đường cây được gắn biển HND tự quản; có 20.480 hộ gia đình hội viên tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ, đạt 92,4%. Các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân tham gia ủng hộ nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng với số tiền trên 554 triệu đồng; đóng góp 18.774 ngày công để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 593km đường liên xã, 111km đường thôn xóm, 93,8km đường dong ngõ, 608km đường giao thông, 213km kênh mương, 209 chiếc cầu cống và hiến 205ha đất các loại. Tại huyện Giao Thủy, hội viên nông dân đã hiến 323.860m2 đất nông nghiệp, đất ở để xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng và làm đường giao thông nông thôn; đóng góp 131.616 công lao động, hơn 400 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Các tuyến đường trục xã, thôn xóm được đầu tư xây dựng đồng bộ, đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 1.400km đường giao thông nông thôn. Đến nay, đã có 22/22 cơ sở Hội, 195/195 chi Hội có mô hình, việc làm cụ thể trong xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Tiêu biểu như các mô hình: Xây 638 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các xứ đồng và ra quân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải rắn về nơi quy định theo định kỳ; nhận 195 tuyến đường tự quản có gắn biển, 115 nhà văn hóa xóm đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh khuôn viên; trồng hàng nghìn cây xanh, cây bóng mát; thành lập 75 tổ thu gom và xử lý rác thải; vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở các trục đường giao thông nông thôn và trục đường khu dân cư...

Thực hiện tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cán bộ, hội viên, nông dân đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, giúp nhau cùng làm giàu. Bình quân mỗi năm có trên 129 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Cùng với đó, cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp giảm nhưng do áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa kết hợp với tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả nên kinh tế nông nghiệp duy trì phát triển khá. Năm 2022, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 133,95 triệu đồng; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 21.535 tỷ đồng. Hội viên nông dân còn tham gia xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với 453 mô hình “Cánh đồng lớn” tổng diện tích 19.150ha (có 3.316ha được bao tiêu sản phẩm); hình thành trên 39 mô hình trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung triển khai gắn với chương trình xây dựng NTM; toàn tỉnh đã có 330 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Với những đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên nông dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa ở nông thôn được cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Đến cuối tháng 7-2023, toàn tỉnh có 189 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com