Bài toán về nguồn vốn cho các dự án trọng điểm

17:35, 31/07/2023

Hiện tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm có nhu cầu vốn lớn. Theo đó kinh phí để thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) của tỉnh cho 3 năm 2023-2025 là 35.318 tỷ đồng; trong đó nguồn tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất là 27.100 tỷ đồng, các nguồn vốn Trung ương và nguồn khác là 8.218 tỷ đồng. Riêng nhu cầu bố trí vốn ngân sách tỉnh cho các dự án trọng điểm như: Cầu mới bắc qua sông Đào, đường trục phía nam thành phố Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên 10 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên thị trường bất động sản gần đây trầm lắng, nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất của các huyện, thành phố không đạt kết quả như mong muốn. Trước thực trạng này, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã phải gia tăng các giải pháp để giải bài toán về đảm bảo khả năng huy động được vốn cho ĐTC, nhất là bố trí vốn cho các công trình trọng điểm trong 3 năm tới.

Thi công hạ tầng khu giãn dân thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.
Thi công hạ tầng khu giãn dân thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.

Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt trong kỳ trung hạn; trong đó các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư phải thực hiện sớm hơn, đảm bảo sẵn sàng nguồn đất thương phẩm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh về định mức, nguyên tắc phân bổ vốn ĐTC và Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2282/QĐ-UBND ngày 9-12-2022 về việc điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, trong đó đã giao chi tiết kế hoạch vốn của các dự án hoàn thành, chuyển tiếp và dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Đối với các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, Sở KH và ĐT tích cực đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện giao chi tiết kế hoạch vốn theo quy định. Các huyện, thành phố đã tăng cường phối hợp với Sở KH và ĐT để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, sớm triển khai thi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư, hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện tổ chức đấu giá đất theo quy định.

Các sở, ngành và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các dự án trọng điểm. Các ngành chức năng chủ động phân kỳ đầu tư hợp lý để triển khai các dự án trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiệu quả, sớm đưa các hạng mục công trình thành phần của các dự án vào sử dụng, tiết kiệm chi phí thực hiện dự án, phát huy ngay hiệu quả dự án, tăng nguồn thu cho ngân sách. Nhất là phân kỳ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư. Cùng với đó, Sở KH và ĐT rà soát các dự án chuyển nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ về bố trí bằng nguồn ngân sách tỉnh để tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân kỳ đầu tư hoặc cắt giảm tổng mức đầu tư, chỉ thực hiện các hạng mục thực sự cần thiết, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, bao gồm nguồn thu từ tiền đấu giá đất. Từ năm 2021 đến tháng 5-2023 đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm 744,047 tỷ đồng tổng mức đầu tư của 6 dự án: Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy); dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản xã Bạch Long (Giao Thủy); dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng; dự án cải tạo, nâng cấp khẩn cấp tuyến đê tả sông Đào từ K18+656 đến K30+073 (Nghĩa Hưng); dự án củng cố, nâng cấp khẩn cấp tuyến đê hữu Hồng đoạn từ K156+621 đến K163+610; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê, kè, cống đê hữu sông Hồng và đê tả Đào (Nam Trực).

Các ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng thực hiện sớm các dự án có ảnh hưởng từ các công trình trọng điểm để phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2025) sẽ có nguồn thu từ các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án (bao gồm 8 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 948,8 tỷ đồng và 126,7 triệu USD. UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp (KCN), đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta về đầu tư tại KCN Mỹ Thuận sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD. Đây là các tập đoàn, công ty đã thực hiện nhiều dự án lớn, có uy tín, khi về đầu tư tại Nam Định được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư; tạo nguồn thu ngân sách bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi cũng được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã quyết liệt thực hiện nhằm tăng nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển, qua đó giảm áp lực lên nguồn thu sử dụng đất. Các cấp, các ngành đã chung sức, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ tài sản công để tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án, chương trình trọng điểm có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 5 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã trình Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh phân bổ chi tiết 310 tỷ đồng từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho các dự án tỉnh trực tiếp quản lý điều hành. Ngoài ra, các biện pháp quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong kỳ trung hạn 2021-2025, phân bổ chỉ tiêu thu từ sử dụng đất một cách hợp lý cũng được thực hiện có hiệu quả. 

Để đảm bảo khả năng huy động vốn cho ĐTC, thời gian tới, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì các giải pháp đã thực hiện hiệu quả, trong đó tập trung vào các giải pháp giảm phụ thuộc vào thu tiền sử dụng đất như là: Chủ động phân kỳ vốn đầu tư hợp lý, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo sát với tình hình thực tế điều chỉnh giảm và đưa ra khỏi danh mục đối với các dự án vướng mắc kéo dài trong công tác giải phóng mặt bằng hoặc thủ tục đầu tư, không khả thi (nếu có); kịp thời bổ sung danh mục các dự án có tính khả thi cao hơn; đồng thời triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm, sớm đưa các hạng mục công trình thành phần của các dự án vào sử dụng để phát huy ngay hiệu quả đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đảm bảo kết quả, chất lượng thu hút đầu tư tốt để sớm có các dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược đưa vào vận hành, khai thác nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tăng thu, tiết kiệm để tăng nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển, giảm áp lực lên nguồn thu sử dụng đất. Công tác phân bổ chi tiết và sử dụng nguồn vốn từ các khoản tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm sẽ được ưu tiên thanh toán khối lượng của các dự án đã hoàn thành, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông. Coi kết quả hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhất là thu từ sử dụng đất trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com