Thực hiện Chương trình phát triển thủy sản, những năm qua, lĩnh vực khai thác thủy sản (KTTS) của tỉnh có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, việc thiếu lao động chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao... đang là những khó khăn, thách thức với các tổ chức, cá nhân hoạt động KTTS.
Ngư dân mua bán hải sản tại bến cá Giao Hải (Giao Thủy). |
Tàu thuyền KTTS của tỉnh thời gian gần đây đã phát triển theo hướng tăng nhanh về công suất máy, đặc biệt là nhóm tàu khai thác hải sản xa bờ. Toàn tỉnh hiện có 1.776 tàu cá với tổng công suất là gần 293 nghìn CV. Công tác quản lý tàu cá đã dần đi vào nền nếp, quản lý chặt số lượng tàu thuyền đánh cá của các huyện, tiến hành phân loại được toàn bộ số lượng tàu thuyền theo chiều dài, theo nghề và theo vùng biển hoạt động, theo từng huyện. Theo đó, tàu cá có chiều dài: từ 6m đến dưới 12m là 394 chiếc; chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 313 chiếc; chiều dài từ 15m đến dưới 24m gồm 501 chiếc; dài từ 24m trở lên có 20 chiếc. Có 521 tàu hoạt động KTTS ở vùng khơi, 313 tàu khai thác ở vùng lộng còn lại là hoạt động ven bờ. Phân loại theo nghề thì nghề lưới rê chiếm đến gần 77%, lưới kéo chiếm gần 20%, còn lại là lồng bẫy, chụp mực, vây… Đội tàu cá của tỉnh được các chủ tàu thực hiện đăng kiểm đúng định kỳ, bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên và đánh dấu tàu cá theo quy định; đội ngũ thuyền viên được đào tạo, bồi dưỡng đã sử dụng tốt các thiết bị và kỹ thuật khai thác mới, có thêm kinh nghiệm, kiến thức tìm kiếm ngư trường để khai thác dài ngày trên biển.
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm ổn định sản xuất cũng như hoàn thiện công tác quản lý KTTS như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản mới và các quy định đi kèm cho ngư dân; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương kiểm soát có hiệu quả hoạt động KTTS, giám sát chặt hoạt động khai thác bất hợp pháp, không để tàu cá Nam Định vi phạm các quy định về chống khai thác IUU... Từ năm 2022 đến nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, hoạt động khai thác ít bị gián đoạn, các tàu cá có công suất lớn đã mạnh dạn vươn khơi xa; KTTS tiếp tục tăng cả về sản lượng và giá trị, cơ cấu nghề nghiệp được duy trì và phát triển theo đúng định hướng. Năm 2022, sản lượng KTTS của tỉnh đạt 58.541 tấn; trong đó khai thác mặn lợ 56.241 tấn, khai thác nội đồng đạt 2.300 tấn, tăng 1,91% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng KTTS ước đạt 31.866 tấn, bằng 51,4% kế hoạch năm. Nghề KTTS đã tạo việc làm cho trên 5.300 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động khác làm nghề chế biến, kinh doanh hải sản và kinh doanh dịch vụ liên quan, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, kết hợp kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTS của tỉnh cũng đang gặp không ít khó khăn. Mặc dù có sự gia tăng về công suất máy, song số lượng tàu cá chiều dài dưới 12m vẫn chiếm tỷ lệ lớn nên việc khai thác hải sản ở các vùng biển ven bờ đã vượt quá giới hạn cho phép khiến nguồn lợi ngày càng cạn kiệt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giá xăng dầu có thời điểm tăng cao nên hoạt động khai thác, tiêu thụ sản phẩm thủy sản gặp nhiều khó khăn trong khi giá bán sản phẩm giảm tương đối do người dân thắt chặt chi tiêu. Ngư trường khai thác còn hạn chế, chủ yếu là khu vực Vịnh Bắc Bộ. Nhân lực cho ngành KTTS còn thiếu, hiện nay nhiều chủ tàu cá phải thuê lao động tỉnh ngoài. Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch tuy đã từng bước được cải thiện nhưng còn chậm. Cơ sở hạ tầng phục vụ KTTS hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành: tại khu vực huyện Giao Thủy chưa có cảng cá; Cảng cá Quần Vinh khu vực huyện Nghĩa Hưng đang xây dựng và chưa đưa vào hoạt động. Ngoài ra, sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa và bán sản phẩm chế biến thô cho tiêu dùng hàng ngày, giá trị kinh tế chưa cao; chưa phát triển chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Do đó mặc dù sản lượng và giá trị KTTS đều tăng so với các năm trước nhưng cơ cấu nhóm sản phẩm có giá trị kinh tế cao vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh. Thực tế cũng cho thấy, số phương tiện đánh bắt trong những năm gần đây giảm chứ không tăng. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, số phương tiện KTTS của tỉnh hiện tại giảm gần 400 chiếc so với cách đây 2 năm (tháng 8-2020 toàn tỉnh có 2.171 tàu cá).
Nhằm khắc phục các khó khăn, tồn tại, nâng cao hiệu quả KTTS trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát triển ngành theo hướng tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn khai thác xa bờ, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, giảm dần số lượng tàu công suất nhỏ gần bờ. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất trên biển theo tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn để nâng cao hiệu quả khai thác. Khuyến khích ngư dân áp dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu. Đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đáp ứng nhu cầu neo đậu của các tàu cá công suất lớn đặc biệt là tàu cá vỏ thép. Bố trí kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa âu, cửa cảng đảm bảo luồng, lạch cho tàu cá ra vào thuận tiện. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục cấp vốn để hoàn thiện các dự án xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ KTTS đang triển khai tại Nam Định, nhanh chóng đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin