Hội Nông dân xã Đồng Sơn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:16, 28/07/2023

Hội Nông dân (HND) xã Đồng Sơn (Nam Trực) hiện có 1.935 hội viên (bằng 70% số hộ nông dân). Những năm qua, HND xã luôn chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề, giúp hội viên phát triển kinh tế.

Ông Cồ Khắc Bin, thôn Tây Vân Cù, đầu tư máy móc để nâng công suất, chất lượng sản phẩm bún, bánh phở.
Ông Cồ Khắc Bin, thôn Tây Vân Cù, đầu tư máy móc để nâng công suất, chất lượng sản phẩm bún, bánh phở.

Ông Cồ Khắc Bin, hội viên nông dân thôn Tây Vân Cù nhiều năm qua đã nối nghiệp gia đình phát triển nghề làm bún, bánh phở. Từ chỗ làm thủ công, vợ chồng ông đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng mua sắm các máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất. Ông Bin cho biết, ngoài khâu lựa chọn nguyên liệu, gia đình ông luôn tuân thủ bí quyết, quy trình làm bánh phở của làng nghề có truyền thống lâu đời để làm ra sản phẩm thơm ngon, mềm dẻo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông sản xuất khoảng 700kg bánh phở, 800kg bún, cung cấp theo đơn đặt hàng của các quán ăn ở trong và ngoài huyện. Còn tại xóm Tây Sa Lung, từ những kiến thức về khoa học kỹ thuật nắm bắt được thông qua các lớp tập huấn do HND xã tổ chức, hội viên Vũ Văn Duẩn đã phát triển mô hình nuôi cá luồn lúa cho thu nhập ổn định. Trên diện tích ao rộng 2ha, gia đình ông nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm trắng, trắm đen, trôi, chép kết hợp trồng các giống lúa cho năng suất, giá trị hàng hóa cao. Ông Duẩn cho biết, do cá nuôi hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt thơm ngon, được thương lái đến tận nơi mua. Từ nguồn cá tươi ngon thu hoạch được, có năm vào dịp Tết Nguyên đán, ông còn chế biến thêm món cá nướng, được thị trường rất ưa chuộng. Năm 2022, được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn 50 triệu đồng, vợ chồng ông đã đầu tư thuê máy, múc lại bờ ao phục vụ tốt hơn cho việc sản xuất. Từ mô hình cá luồn lúa, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng…

Để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, HND xã Đồng Sơn đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhận tín chấp và ủy thác cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng NN và PTNT là gần 54 tỷ đồng cho 180 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng CSXH là gần 11 tỷ đồng cho 253 hộ vay. Nhìn chung, các hộ đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, 5 năm qua, HND xã đã phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 500 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trong xã; hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp và ứng dụng khoa học vào sản xuất. Cùng với đó, HND xã còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ, hội nghề nghiệp. Năm 2021, HND xã đã thành lập “tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt” với 10 thành viên. Đến nay, tổ hợp tác đã hoạt động, phát triển lên 20 thành viên, luôn chú trọng tập trung sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá nước ngọt, tuyên truyền và trao đổi kinh nghiệm, giúp thành viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. HND xã đã hỗ trợ tổ hợp tác xây dựng đề án nuôi cá nước ngọt, tạo điều kiện cho 10 hộ gia đình thành viên vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với tổng số vốn 500 triệu đồng. Các hộ được vay vốn sử dụng đúng mục đích, đóng phí đầy đủ theo quy định và có hiệu quả kinh tế cao.

Các hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên của HND xã Đồng Sơn đã tạo động lực khích lệ cán bộ, hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hàng năm, số hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân tiên tiến. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương có nghề truyền thống làm phở, bún, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất nông sản, nghề truyền thống có nguồn thu nhập từ 500 đến 900 triệu đồng/năm như hộ ông Đỗ Khắc Dũng xóm Nam Giao Cù Trung; hộ ông Trần Văn Tuân xóm Đồng Chi... Bên cạnh đó, nhờ được tiếp cận khoa học kỹ thuật và tư duy nhạy bén với thị trường, hội viên nông dân hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Thành nhiều năm qua đã xây dựng, sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn theo chuỗi bao tiêu sản phẩm mang lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa truyền thống. Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Ban quản trị HTX đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề kỹ thuật sản xuất, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón… cho các thành viên. Qua đó giúp các thành viên ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác. HTX còn cung cấp các loại vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý theo phương thức trả chậm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên phát triển sản xuất. Năm 2023, xã Đồng Sơn đăng ký tổ chức thực hiện mô hình dân vận khéo “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” của HTX Nam Thành. Theo đó, HTX Nam Thành giữ vai trò kết nối giữa người dân và doanh nghiệp theo hướng sản xuất chuỗi giá trị. HTX tham gia thực hiện liên kết sản xuất 170ha lúa (trên tổng số 368ha đất lúa của toàn HTX) và dự kiến tiêu thụ từ 750 đến 800 tấn sản phẩm gạo sạch với các doanh nghiệp. Hiện nay, mô hình đang được triển khai tổ chức thực hiện theo kế hoạch; trên địa bàn HTX không có tình trạng bỏ ruộng hoang, hội viên nông dân tích cực tham gia sản xuất gạo sạch theo mô hình liên kết và có thu nhập ổn định.

Thời gian tới, HND xã Đồng Sơn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ nguồn vốn vay, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm… giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com