Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên hiện có tổng số 36.212 hội viên. Những năm qua, hội viên nông dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Mô hình trang trại tuần hoàn khép kín của ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ cho thu nhập cao. |
Hàng năm, Hội phát động, tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đồng thời hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế với nhiều hoạt động thiết thực. Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động ủng hộ xây dựng, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay 31/31 cơ sở Hội đã thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ. Tổng nguồn vốn của các cấp HND trong huyện là 1 tỷ 606 triệu đồng; trong đó, nguồn của Huyện hội là 819 triệu đồng cho 16 hộ vay, nguồn của hội cơ sở là 787 triệu đồng cho 40 hộ vay phát triển mô hình sản xuất. Ngoài ra, HND huyện đang quản lý, điều hành nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân ủy thác của tỉnh và Trung ương là 2 tỷ 450 triệu đồng, cho 58 hộ vay. Các cấp Hội còn tổ chức tốt hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ 241,054 tỷ đồng cho 5.755 hộ vay; phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ý Yên và Nam Ý Yên tín chấp cho 7.671 hộ vay với tổng số tiền 2.180 tỷ đồng, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân, góp phần đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu. Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan liên quan, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu, giúp nông dân ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. 5 năm qua, các cấp HND trong huyện đã tổ chức 325 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 36 nghìn lượt hội viên nông dân; phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, các trường dạy nghề tổ chức 27 lớp dạy nghề ngắn hạn cho trên 920 hội viên về chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, trung tâm để xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết theo các nhóm hộ cùng mục đích sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Từ năm 2018-2023, HND huyện đã hướng dẫn thành lập 5 HTX, 16 tổ hợp tác, 5 chi hội nghề nghiệp; xây dựng 10 mô hình tổ hội nghề nghiệp. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hoá, tạo ra vùng sản xuất tập trung như: HTX chăn nuôi Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa; Tổ hợp tác Đoàn Kết nuôi cá lồng trên sông Đào tại xã Yên Phúc...
Với các hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp HND trong huyện, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã có sức lan toả mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng về vốn, đất đai, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, toàn huyện có 18.345 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 50% so với hộ đăng ký. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Thướng, xã Yên Minh với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hộ bà Nguyễn Thị Hằng, xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp kinh doanh thức ăn gia súc. Hộ ông Tô Văn Mạnh, xã Yên Phương với mô hình nuôi chạch sụn cho thu nhập 600 triệu đồng/năm. Hộ ông Lê Thanh Hà, chủ cơ sở sản xuất tương ớt Quang Minh, xã Yên Bằng. Hộ ông Hoàng Văn Hùng, xã Yên Khang với mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm... Đặc biệt, ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại được ông vận hành theo mô hình tuần hoàn: chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; qua hệ thống lọc nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi cắt làm thức ăn cho cá. Đến nay, trang trại của ông có diện tích 13.500m2 được xây dựng theo mô hình khép kín có quạt thông gió, điều hòa đảm bảo kỹ thuật; duy trì chăn nuôi thường xuyên 500 con lợn thịt, gần 100 con lợn nái, 3 ao cá với các loại cá chép, trắm, lăng; 300 gốc bưởi Diễn, 150 gốc mít Thái, 100 gốc nhãn, 1.000 cây đinh lăng cho thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm. Năm 2021, ông Lê Văn Cần vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2022 được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cũng đã khuyến khích nông dân tham gia có hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao ở các xã Yên Cường, Yên Dương..., góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển. Diện tích lúa duy trì ổn định trên 25.500ha. Nhiều diện tích ruộng bỏ hoang trước đây được các hộ tích tụ, mượn ruộng, áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng, hình thành các cánh đồng lớn, lựa chọn, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp được chuyển dịch tích cực, từ đó đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Toàn huyện hiện có 72 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi. Đến nay tổng đàn lợn là 40.492 con; trâu, bò, dê 11.749 con, đàn gia cầm 625.493 con. Thủy sản phát triển và duy trì theo hướng hình thành các vùng nuôi trồng tập trung, các tổ hợp tác nuôi trồng phát huy vai trò trong việc định hướng chất lượng con giống, thức ăn, bước đầu phát huy vai trò trong kinh tế tập thể. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 1.700ha.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Ý Yên tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, chú trọng biểu dương các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để động viên, khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng của các hộ nông dân. Phấn đấu hàng năm có 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký, cuối năm có từ 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin