Giữ gìn nghề làm tôn truyền thống
.

Giữ gìn nghề làm tôn truyền thống

19:09, 23/07/2023

Đi qua phố Hai Bà Trưng, đoạn giao với phố Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), không khó để nghe thấy âm thanh gõ tôn, thiếc rộn rã. Tuy không còn nhộn nhịp như trước nhưng hiện ở đây vẫn còn khoảng 10 hộ gia đình bền bỉ, bám trụ với nghề. Chính những âm thanh quen thuộc này đã tạo thành “làn sóng âm” đặc biệt, gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ của người dân nơi đây.

Chỉ với kinh nghiệm “cha truyền con nối” nhưng với bàn tay khéo léo, từ xa xưa, người thợ nơi đây tạo ra nhiều sản phẩm dùng trong sinh hoạt hàng ngày, từ gáo múc nước, hòm đựng quần áo, ô doa tưới cây, xô, phễu cho tới thùng đốt vàng mã… hoặc các sản phẩm làm theo yêu cầu của khách hàng.

 

Các sản phẩm đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, kích thước.

 

Thông thường, một người học việc phải trải qua từ 2-4 năm mới trở thành thợ chính. Còn nếu muốn trở thành một người thợ lành nghề, làm được tất cả công đoạn khó của sản phẩm một cách tinh tế cần nhiều thời gian hơn. Nghề gò tôn, thiếc đã từng có một quãng thời gian dài hưng thịnh khi ở cả thành thị và nông thôn, vật dụng được làm bằng tôn, thiếc được sử dụng rộng rãi. Ngày nay, mặc dù đồ dùng bằng các vật liệu khác trở nên phổ biến dần thay thế đồ tôn thiếc, song nghề truyền thống nơi đây vẫn được nhiều gia đình lưu giữ, phát triển.

 

Anh Nguyễn Đăng Trung, phố Hai Bà Trưng (TP Nam Định) say sưa với công việc.

 

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Đăng Trung khi anh đang say sưa, miệt mài với công việc. Vừa ngồi gõ thùng tôn cho khách, anh Trung vừa chia sẻ: "Khi tôi còn nhỏ, nghề gò hàn thiếc là một trong những nghề “hái ra tiền” do nhu cầu của người dân rất cao. Có giai đoạn, gia đình tôi làm ngày, làm đêm cũng không hết việc". Anh Trung là thế hệ thứ 3 trong gia đình đến nay vẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng anh vẫn yêu nghề, say nghề gõ tôn, thiếc để chế tác thành các vật dụng dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhiều hộ gia đình.

 

Thùng tôn, vỏ bếp lò, bếp than... là sản phẩm bán đông khách nhất của các cơ sở gò hàn tôn thiếc
Thùng tôn, vỏ bếp lò, bếp than... là sản phẩm bán đông khách nhất của các cơ sở gò hàn tôn thiếc.

 

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều công đoạn đã được máy móc thay thế, tuy nhiên một số chi tiết thủ công vẫn cần sự tỉ mỉ, trau chuốt từ đôi bàn tay của người thợ như những mép góc của thùng tôn, khi gõ đòi hỏi sự cẩn thận nên gõ bằng tay sẽ chính xác hơn và có thể căn chỉnh theo ý của người thợ. Vì thế, anh Trung cũng như những người thợ khác không tránh được những lúc chân tay gặp thương tích do phải dùng tay không mới cảm nhận được chính xác đường nét của sản phẩm.

 

Từ những vật dụng đơn giản gắn với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như gáo múc nước cũng được những người thợ làm tỉ mỉ, cẩn thận.

 

Chia sẻ về mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, anh Trung cho biết: “Nhiều năm lăn lộn làm nghề, tôi rút ra được những điều cốt lõi giúp trụ vững và phát triển được nghề gia truyền từ đời ông tôi để lại. Đầu tiên là phải sống được với nghề, nghĩa là sản phẩm mình làm ra phải bán được, điều này liên quan đến chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm. Đồng thời, phải yêu nghề, hiểu nghề, như vậy mới có thể nuôi dưỡng và duy trì và phát triển nghề gò tôn, thiếc truyền thống”.

 

Các sản phẩm ô doa tưới cây, thùng tôn... đã hoàn thành qua bàn tay khéo léo của người thợ.

 

Dẫu biết vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nghề gò hàn tôn thiếc truyền thống ở phố Hai Bà Trưng vẫn còn tồn tại được đến ngày hôm nay bởi chính niềm đam mê, yêu nghề của những người thợ. Họ đã và đang góp phần vào việc gìn giữ nét riêng, độc đáo và bảo tồn được văn hóa của Thành Nam xưa./.

Thực hiện: Thanh Hoa - Diệu Linh
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 23-7-2023

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận