Chung tay kiến tạo nông thôn mới bền vững

18:21, 27/07/2023

Tích cực thi đua xây dựng, kiến tạo nông thôn Nam Định trở thành vùng quê đáng sống, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã xác định đẩy mạnh cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các ngân hàng, TCTD chú trọng mở rộng mạng lưới hoạt động đến các huyện, xã; từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn; ưu tiên cho vay vốn phục vụ các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Sản xuất chăn, ga, gối tại làng nghề xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).
Bài và ảnh: đức toàn
Sản xuất chăn, ga, gối tại làng nghề xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). 

Đầu tư vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thường tiềm ẩn nhiều rủi ro (bởi các tác động của thiên tai, dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...), do vậy không hấp dẫn các nhà đầu tư. Lĩnh vực này vì thế nhu cầu vốn luôn rất cao. Để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, ngành Ngân hàng phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các chương trình tín dụng đặc thù nhằm đưa được vốn về nông thôn. Trong đó quan tâm cho vay các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, được tỉnh khuyến khích, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng mô hình liên kết, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM... Ngành Ngân hàng tỉnh còn dành nguồn vốn thỏa đáng để cho vay các dự án trực tiếp hướng đến mục tiêu xây dựng NTM như cho vay hộ sản xuất, kinh doanh, cho vay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm điện, xây dựng nhà ở... Dư nợ cho vay chương trình xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm; đến hết quý II năm 2023, tổng dư nợ trên toàn tỉnh đạt 47.241 tỷ 135 triệu đồng với 183.312 hộ dân, 443 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng NTM tại các ngân hàng thương mại (chủ yếu tập trung từ hệ thống 2 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đạt 43.171 tỷ 567 triệu đồng với 75.420 hộ dân, 417 doanh nghiệp và 3 HTX. Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác như Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đạt dư nợ 3.928 tỷ 68 triệu đồng với 107.866 hộ, 1 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã còn dư nợ; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.opBank) Chi nhánh Nam Định đạt dư nợ 5 tỷ 500 triệu đồng với 26 hộ vay…

Là ngân hàng gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định luôn là “cánh chim đầu đàn” dẫn vốn về phát triển nông thôn của tỉnh. Để đáp ứng nhanh, kịp thời và tốt nhất nhu cầu vốn phát triển kinh tế NTM của bà con nông dân, Agribank Chi nhánh Nam Định đã xây dựng mạng lưới hệ thống phòng giao dịch, điểm giao dịch phủ khắp địa bàn nông thôn với 1 văn phòng tỉnh, 9 chi nhánh loại 2 và 21 phòng giao dịch, 38 máy CDM/ATM trên địa bàn 6 huyện và thành phố Nam Định. Năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm gần 80% tổng dư nợ. Hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay chương trình xây dựng NTM của Chi nhánh đạt 12.919 tỷ 712 triệu đồng với 40.635 khách hàng còn dư nợ.

Đến nay toàn tỉnh có 188/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 92,15%) và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 644/1.970 (33%) thôn, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo đánh giá của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, trong thành công chung đó có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; nhất là tạo điều kiện về vốn để các tổ chức, cá nhân tại khu vực nông thôn khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản, tạo nên các sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương; hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thương mại điện tử; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương, không ngừng cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần quan trọng vào thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh. Đồng thời, góp phần từng bước cải thiện, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, cải tạo cảnh quan, bộ mặt nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp... 

Thời gian tới, ngành Ngân hàng chú trọng công tác huy động vốn, cân đối nguồn vốn tại chỗ, nguồn vốn trung, dài hạn, đảm bảo công tác thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xây dựng NTM. Thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng; điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình trọng điểm của tỉnh. Cải tiến quy trình hoạt động, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng các dịch vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách... Góp phần cùng toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 35-40% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt mục tiêu (25% số xã, thị trấn) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com