Phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại

08:05, 07/06/2023

Những năm gần đây, ngành thương mại dịch vụ (TMDV) của tỉnh đã có những bước đột phá với mức tăng trưởng khá, hạ tầng thương mại ngày càng được đầu tư mở rộng, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngày 15-4-2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định 727/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu, lộ tình và giải pháp nhằm phát triển thương mại đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; phát triển thương hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với quy mô, đặc điểm của tỉnh. 

Tuyến phố thương mại thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Tuyến phố thương mại thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). 

Theo đó, giai đoạn 2021-2030 toàn tỉnh phấn đấu tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 10%. Tỷ trọng tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15%. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm 30-35%. Phấn đấu 35-40% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước; 80% doanh nghiệp có website riêng quảng bá thương hiệu sản phẩm… 80% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại áp dụng phương thức thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý vận hành; khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giai đoạn 2031-2045, các mục tiêu phát triển tăng lần lượt từ 2-20% so với giai đoạn trước tùy từng lĩnh vực. Riêng hệ thống hạ tầng thương mại khu vực nông thôn phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại, dần đảm bảo nhiệm vụ, vai trò chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.

Triển khai thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tỉnh có những thuận lợi từ nền tảng truyền thống người dân năng động, sẵn sàng thích ứng với đổi mới phương thức kinh doanh, số hóa TMDV; thị phần phát triển còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, cũng có quá nhiều thách thức do tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến khó lường theo chiều hướng bất lợi, liên tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, trong tỉnh. Hậu quả của dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân… khiến cho TMDV kém sôi động. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình nỗ lực thực hiện Chiến lược theo 8 nhóm giải pháp gồm: Xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại; xây dựng gắn kết lưu thông với sản xuất theo liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại, thị trường trong nước. Nhờ đó, hạ tầng thương mại ngày càng phát triển tại thành phố và tập trung ở dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm thị trấn, thị tứ ở các huyện; hệ thống các cửa hàng tiện lợi cũng đang phát triển nhanh, phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay trên toàn tỉnh có 192 chợ truyền thống và 21 siêu thị đang hoạt động. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng thương mại đã và đang được các doanh nghiệp quan tâm xin chủ trương đầu tư của tỉnh, từng bước góp phần hình thành hệ thống kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh, hiện đại. 

Đặc biệt, xác định chuyển đổi số là một trong những “chìa khóa” quan trọng nhằm góp phần phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, thông minh, gia tăng giá trị; các sở, ngành, địa phương đang tập trung phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Sở Công Thương đã triển khai phương án chuyển đổi số toàn ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, kết nối xúc tiến thương mại điện tử. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Sendo. Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (mã vạch QR code, chip NFC, blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại. Hiện tại đã có gần 200 hộ sản xuất nông nghiệp với 2.200 sản phẩm được tổ chức bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart; hàng nghìn cơ sở chuyên doanh, tiểu thương đã áp dụng phần mềm bán hàng trực tuyến và các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Con số này tăng gấp nhiều lần so với trước khi triển khai Chiến lược phát triển thương mại nội địa. Sở Công Thương và các sở, ngành chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân số hóa dữ liệu các hộ kinh doanh, sản phẩm làng nghề truyền thống và thí điểm cấp mã QR cho hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu. 

Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, nên mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng năm 2022, giá trị thương mại dịch vụ chiếm 34,78% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 60.298 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 27.698 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2019-2023. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước của các ngành, các địa phương đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng tăng trưởng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com