Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động

08:26, 06/06/2023

Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT, VSLĐ) năm nay được tổ chức với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” nhằm đẩy mạnh các hoạt động, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc AT, VSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở; chăm lo và bảo vệ sinh mạng, sức khoẻ cho người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Lao động làng nghề sản xuất mây tre đan xã Yên Tiến (Ý Yên) ngày càng nâng cao ý thức chấp hành quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Lao động làng nghề sản xuất mây tre đan xã Yên Tiến (Ý Yên) ngày càng nâng cao ý thức chấp hành quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Sau đại dịch, cùng với quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, người lao động trở lại doanh nghiệp, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, công tác tuyên truyền về AT, VSLĐ được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh: phương tiện truyền thông đại chúng, website, mạng xã hội, hệ thống các đài phát thanh huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp. Các địa phương, doanh nghiệp đã xây dựng, kẻ vẽ lắp đặt 12 nghìn khẩu hiệu, băng rôn, pa-nô; biên soạn phát hành tờ gấp, sổ tay phổ biến, hướng dẫn công tác AT, VSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tới người lao động và cán bộ quản lý các doanh nghiệp. Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong thực thi pháp luật, chính sách của Nhà nước về AT, VSLĐ; trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm AT, VSLĐ tại nơi làm việc; vận động người lao động thay đổi, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động. Tổ chức kiểm tra, rà soát các văn bản, nội quy, quy trình, quy định bảo đảm AT, VSLĐ tại nơi làm việc đã ban hành; đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AT, VSLĐ để điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung cho phù hợp. Qua đó, đã phát hiện 106 nguy cơ, rủi ro; xây dựng, bổ sung 135 nội quy, quy trình làm việc nhằm bảo đảm AT, VSLĐ. Tăng cường thực hiện các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 28.600 người lao động; trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao. Đảm bảo người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Tổ chức 47 buổi tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về AT, VSLĐ; tổ chức hội thi AT, VSLĐ, giao lưu văn nghệ có nội dung tuyên truyền về AT, VSLĐ để thu hút sự quan tâm của người lao động, đảm bảo dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hành. Tổ chức các lớp tập huấn cho 2.445 người là trọng tài viên, hòa giải viên lao động, lãnh đạo, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thẩm định, tiếp nhận nội quy lao động của 47 doanh nghiệp; hướng dẫn 225 doanh nghiệp, công dân về thực hiện chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.727 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. 

Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; được bồi dưỡng sức khỏe bằng hiện vật theo quy định. 100% người lao động làm nghề, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, có hại trong giới hạn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thời giờ làm việc không quá quy định của Bộ luật Lao động. Người lao động được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe, được sắp xếp công việc phù hợp với tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại nghề, công việc và kết quả khám sức khỏe của người lao động. Tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, sử dụng từ 300 lao động trở lên và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng có số lượng từ 1.000 lao động trở lên đều thành lập hội đồng AT, VSLĐ theo quy định. 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác AT, VSLĐ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều thách thức và nguy cơ như: Số doanh nghiệp và lao động tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều, xuất hiện các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hoá chất mới, trong khi nhiều lao động chưa được đào tạo, huấn luyện về AT, VSLĐ; trình độ, công nghệ sản xuất ở một số doanh nghiệp còn thấp dẫn tới nguy cơ mất AT, VSLĐ. Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 153 vụ/154 người bị tai nạn lao động, 13 người thiệt mạng, 28 người bị thương tích nặng. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động chết người là: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.

Nhằm thực thi có hiệu lực, hiệu quả công tác AT, VSLĐ, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 64 của UBND tỉnh về triển khai Tháng Hành động về AT, VSLĐ năm 2023 và các quy định của Bộ luật Lao động và các pháp luật liên quan. Đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về AT, VSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động và người sử dụng lao động; chăm sóc, nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả lao động tại nơi làm việc. Người lao động là nguồn lực quan trọng, tài sản quý giá của doanh nghiệp. Quan tâm đầu tư, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo AT, VSLĐ chính là đầu tư vì sự ổn định và bền vững của doanh nghiệp, đó là quyền và trách nhiệm hàng đầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com