Nhà ở là nhu cầu cơ bản nhất, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của người dân ở cả đô thị và nông thôn. Từ quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở vừa là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa là công cụ đảm bảo an sinh và công bằng xã hội, trong những năm qua việc chăm lo giải quyết, cải thiện nhà ở cho người dân luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm; trong đó đặc biệt chú trọng giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân trong các khu công nghiệp…
Dự án nhà phố thương mại CL15, CL16 tại Khu đô thị Dệt may Nam Định do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Dệt may làm chủ đầu tư trở thành điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc của thành phố Nam Định. |
Kỳ I: Kết quả và những vấn đề tồn tại
Trong các thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực phát triển nhà ở thời gian vừa qua đã có bước phát triển tích cực, đáp ứng được nhu cầu của đa số tầng lớp nhân dân. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, phát triển nhà ở góp phần thay đổi cảnh quan và nâng cao điều kiện sống khu vực đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và kết quả khảo sát, tính toán về công tác phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh của các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố, đến đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có trên 572.520 căn nhà với tổng diện tích sàn nhà ở là 47,045 triệu m2; trong đó nhà ở khu vực đô thị có tổng diện tích là 10,259 triệu m2, nhà ở khu vực nông thôn có tổng diện tích là 36,786 triệu m2. Đến đầu năm 2022, diện tích nhà ở trong toàn tỉnh đã tăng 3,343 triệu m2; trong giai đoạn 2009-2021, tổng diện tích nhà ở trong toàn tỉnh đã tăng lên khoảng 18 triệu m2, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,5 triệu m2 sàn. Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 25,62m2 sàn/người; trong đó khu vực đô thị là 27,61m2 sàn/người, khu vực nông thôn là 25,12m2 sàn/người. Toàn tỉnh có 99,8% nhà ở kiên cố; 0,2% nhà ở bán kiên cố và số lượng nhà ở bán kiên cố tập trung chủ yếu tại khu vực nông thôn, là những địa bàn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thu nhập của người dân còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở còn gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2017-2020, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 2 dự án nhà ở thương mại trên tổng diện tích 1,63ha gồm 368 căn nhà với tổng diện tích sàn xây dựng là 59,25 nghìn m2. Trong đó, dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ nhà ở và TTBE Complex do Công ty TNHH Thuận Thắng Nam Định đầu tư có 308 căn chung cư với tổng diện tích sàn 74,25 nghìn m2; dự án nhà phố thương mại CL15, CL16 và biệt thự BT4 tại Khu đô thị Dệt may Nam Định do Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Dệt may làm chủ đầu tư có tổng số 60 căn biệt thự, nhà phố liền kề với tổng diện tích sàn là 12 nghìn m2. Cùng với đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển được 2 dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho khoảng 3.100 công nhân trong các khu công nghiệp Hòa Xá, Bảo Minh. Toàn tỉnh chưa có dự án nhà ở phục vụ nhu cầu tái định cư của các hộ dân trong diện bị giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án mà tỉnh thực hiện hỗ trợ, bồi thường bằng đất ở hoặc tiền. Trong các năm 2018, 2019 toàn tỉnh đã có 3 dự án tái định cư theo hình thức giao đất cho người dân tự xây dựng; đến nay đã có khoảng 12,24 nghìn m2 sàn nhà ở do người dân tự xây dựng trên các lô đất nền tái định cư.
Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế đầu tư phát triển các khu đô thị thuộc thị trấn trung tâm huyện và khu dân cư tập trung ở các xã nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất. Thực tế đã chứng minh, chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung là giải pháp mang tính đột phá trong công tác huy động nguồn lực; giải quyết được “bài toán khó” về nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện và của tỉnh. Không những vậy, chủ trương này còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động khai thác hiệu quả nguồn lực tại chỗ để phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung văn minh, hiện đại, có hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá nông thôn và hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng và đưa vào sử dụng 47 dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích trên 145ha; tổng số lô đất nền cung ứng ra thị trường qua đấu giá quyền sử dụng đất là 5.612 lô (tương ứng với gần 609 nghìn m2 sàn xây dựng theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Cùng với các nguồn phát triển nhà ở nêu trên, trong thời gian qua tỉnh cũng chú trọng thực hiện phát triển nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia như: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ cho 7.708 hộ thuộc chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng (trong đó có 2.585 hộ được hỗ trợ kinh phí xây nhà mới và 5.123 hộ được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, cải tạo nhà ở)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 6-7-2018, một số mục tiêu cụ thể chưa đạt như: diện tích nhà ở bình quân theo đầu người chỉ đạt 25,88 m2 sàn/người (mục tiêu là 26,3m2 sàn/người); tổng diện tích sàn tăng thêm chỉ đạt trên 5,583/10,912 triệu m2 (bằng trên 51% mục tiêu đặt ra)… Các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư với nguồn cung nhà ở phân khúc trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong khi nguồn cung phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Hầu hết các dự án đầu tư phát triển đô thị (kể cả các dự án đang trong quá trình triển khai) đều có quy mô diện tích nhỏ, nằm rải rác tại các khu vực khác nhau nên dẫn đến tỷ lệ xây dựng nhà ở tại các khu đô thị, khu dân cư chưa cao. Hầu hết các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch được phê duyệt và phải đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành nhiều lần. Một số dự án hoàn thành đã lâu nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao công trình hạ tầng cho chính quyền địa phương quản lý; quá trình triển khai kéo dài, chất lượng một số hạng mục công trình không đảm bảo yêu cầu, bị xuống cấp gây khó khăn cho công tác bàn giao, quyết toán… Các dự án nhà ở xã hội do các quy định ưu đãi cho nhà đầu tư chưa rõ ràng, không đủ sức hấp dẫn nên không thu hút được các nhà đầu tư lớn... Chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở khu vực nông thôn quá thấp so với yêu cầu thực tế (mức vay ưu đãi tối đa 25 triệu đồng/hộ) không đủ để người dân thực hiện xây dựng nhà ở. Trên địa bàn tỉnh chưa hình thành quỹ nhà ở để bố trí tái định cư mà mới bố trí quỹ đất để tái định cư hoặc bồi thường bằng tiền để các hộ dân tự xây dựng nhà ở…
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin