Hội Nông dân Xuân Trường nhân rộng điển hình làm kinh tế giỏi

08:38, 09/05/2023

Với việc thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian qua, huyện Xuân Trường đã có nhiều điển hình nông dân làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực, nhiều mô hình hiệu quả với cách làm hay, sáng tạo, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hội viên nông dân xã Xuân Phương phát triển nghề điêu khắc tượng gỗ.
Hội viên nông dân xã Xuân Phương phát triển nghề điêu khắc tượng gỗ.

Tận dụng mặt nước sông Hồng chảy qua địa bàn xã thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Tung, hội viên nông dân xã Xuân Châu đã phát triển mô hình nuôi cá lồng với quy mô lớn. Từ năm 2016, ông đầu tư gần 50 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, diêu hồng, chép giòn là các loại cá dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ông Tung cho biết, lợi thế của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn lưu thông, ít bị ô nhiễm nên cá có sức đề kháng cao, có thể nuôi với mật độ cao, chất lượng thịt cá chắc ngọt, thơm ngon, ít có mùi tanh như các loại cá nuôi thông thường… Đặc biệt, đối với cá chép giòn, sau 8 tháng nuôi ương, ông lựa chọn những con cỡ 2,5kg trở lên để chuyển sang cho ăn bằng đậu tằm, giúp tăng độ giòn của thịt cá chép, thịt cá rất chắc giòn, được thị trường ưa chuộng. Mặc dù có những thất bại do yếu tố khách quan, thời tiết thiên tai, nhưng với nỗ lực vượt khó và quyết tâm, đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 30 tấn cá các loại, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Những năm qua, ông Mai Văn Khang, xã Xuân Tiến đã thành công với mô hình sản xuất miến gạo sạch. Phát huy lợi thế, kinh nghiệm của làng nghề truyền thống cùng với sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng thị trường, ông Khang đã thành lập hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến, đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, chế biến các mặt hàng có giá trị kinh tế cao từ lúa gạo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài chế biến nông sản, HTX còn sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề đa dạng như: sản xuất máy làm đất, máy gặt, máy đập lúa, máy bơm, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy bóc, tách hạt, máy làm nấm, máy đóng bịch nấm, máy chế biến thực phẩm, máy sấy nông sản, các loại máy chế biến gỗ; sản xuất nồi hơi, buồng hấp khử trùng; sản xuất, gia công hàng cơ khí… Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, ông Khang đã tạo điều kiện cho các thành viên chủ động trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; đồng thời tạo việc làm, dạy nghề cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề chế biến bánh đa nem, mì gạo đạt 4,5-6 triệu đồng/người/tháng; lao động làm nghề cơ khí đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Tung, hội viên nông dân xã Xuân Châu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Tung, hội viên nông dân xã Xuân Châu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Để nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, hàng năm, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Xuân Trường tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu. Qua bình xét hàng năm có trên 13 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp HND trong huyện còn quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động thiết thực như tiếp cận các nguồn vốn vay; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm; tham gia phát triển sản phẩm OCOP; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; thành lập các mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Toàn huyện đã thành lập 15 tổ hợp tác với 147 thành viên tham gia, gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, HND các cấp trong huyện đã nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập trung nguồn lực đầu tư cho các mô hình liên kết sản xuất; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn. Qua đó đã khuyến khích hội viên mạnh dạn tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Ngày càng có nhiều hộ nông dân phát huy tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo trong lao động để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu hút và tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình như các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ sản xuất nông nghiệp… tại các xã: Xuân Tân, Xuân Thủy, Xuân Ninh, Xuân Trung, Xuân Thượng, Xuân Châu, Xuân Tiến, giúp nhiều hộ nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh, làm ăn có hiệu quả trên các lĩnh vực như ông Nguyễn Văn Thang, xã Xuân Đài với mô hình trang trại; ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh phát triển mô hình nuôi cá trắm đen; ông Mai Đình Năm, xã Xuân Bắc, ông Phạm Văn Chiến, xã Xuân Ngọc sản xuất đồ gỗ cao cấp… Phong trào nông dân làm kinh tế giỏi đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, nông sản hàng hóa. Toàn huyện có 60 lồng bè nuôi thủy sản, 640ha ao, đầm nuôi thủy sản với các vùng nuôi tập trung tại các xã Xuân Vinh, Xuân Hòa. Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại, chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Các ngành nghề truyền thống được hội viên nông dân quan tâm phát triển như nghề thêu ở Xuân Phương; nghề cơ khí ở Xuân Tiến, Xuân Kiên; nghề mộc, điêu khắc gỗ ở Xuân Phương, Xuân Bắc, Xuân Ngọc; nghề dệt chiếu, trồng cây cảnh ở Xuân Ninh…

Thời gian tới, các cấp HND huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tập trung hướng về cơ sở; chuyển mạnh từ hình thức tuyên truyền, vận động sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật… để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com