Nghị quyết chuyên đề 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và xúc tiến, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã xác định phải ưu tiên huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để tạo mặt bằng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp về tỉnh thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm SVT, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). |
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, khắc phục các tồn tại, hạn chế và các điểm bất cập của Quy hoạch cũ, UBND tỉnh đã rà soát, báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN tỉnh Nam Định đến năm 2020 tại Văn bản số 747/TTg-CN ngày 18-6-2020 gồm 10 KCN với tổng diện tích 2.046ha. Kịp thời phê duyệt các quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, điều chỉnh giai đoạn thực hiện và nâng diện tích quy hoạch một số CCN; bổ sung vào quy hoạch thêm một số CCN. Đến năm 2025 có tổng số 59 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 1.773,77ha. Mới đây, tỉnh đã tổ chức rà soát hiện trạng, xây dựng dự thảo phương án phát triển các khu, CCN tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh với mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng công nghiệp cho các dự án mới, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại; đảm bảo đồng bộ các quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu, CCN, sử dụng đất đai có hiệu quả; đào tạo và tuyển dụng lao động; đảm bảo an ninh trật tự... góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, quy mô lớn, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ các quy hoạch, phương án phát triển, các ngành, các địa phương có căn cứ đẩy mạnh thu hút hiệu quả các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, CCN.
Ngoài các chính sách ưu đãi chung, tỉnh cũng nỗ lực xây dựng các cơ chế chính sách riêng trong ưu đãi, thu hút nhà đầu tư như đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN được thực hiện theo quy định từ năm 2011 trở về trước gồm: Quyết định số 2816/2001/QĐ-UBND ngày 29-11-2001 về việc ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển KCN phía tây thành phố Nam Định; Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22-5-2008 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các KCN tỉnh Nam Định; Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 7-10-2011 về việc khuyến khích, hỗ trợ đối với dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nam Định…
Bằng những nỗ lực kể trên, kết quả thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và trực tiếp do nhà đầu tư quản lý, khai thác vận hành chuyển biến tích cực. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 26 CCN với diện tích 626,6ha chiếm 44% số CCN (26/59 CCN) và 35,3% diện tích đất (626,6/1.773,77ha) so với quy hoạch. Có 6 KCN với diện tích 1.288,72ha chiếm 60% số KCN (6/10 KCN) và 63% diện tích đất (1.288,72/2.046ha) so với quy hoạch. Đồng thời tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp về khảo sát, nghiên cứu để đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng các khu, CCN mới như: KCN Hồng Tiến, KCN Trung Thành, KCN Hải Long, CCN Đại An, CCN Nam Thanh... Đến thời điểm hiện tại đã có 51 dự án đầu tư vào các khu, CCN mới, cụ thể: KCN Dệt may Rạng Đông có 2 nhà đầu tư thuê đất sản xuất với diện tích 34,26ha (chiếm 10,63% diện tích đất thương phẩm); CCN Xuân Tiến có 17 nhà đầu tư thuê đất sản xuất, tỷ lệ lấp đầy đạt 46% diện tích đất thương phẩm; CCN Yên Dương có 30 nhà đầu tư thuê đất sản xuất, tỷ lệ lấp đầy đạt 68,1%; CCN Thịnh Lâm có 2 nhà đầu tư thuê đất sản xuất với tỷ lệ lấp đầy đạt 70,2%.
Mới đây, tham dự sự kiện “Bình Dương: Khởi động - kết nối - phát triển mới” do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Nam Định về việc hợp tác nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các KCN; dự án phát triển đô thị - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nam Định có vai trò làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, riêng về lĩnh vực hạ tầng KCN, VSIP đặt mục tiêu nghiên cứu về quy hoạch, đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, hướng đến hệ sinh thái mới, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. VSIP là tổ chức có năng lực và kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực phát triển các KCN, đô thị, dịch vụ. Vì vậy, đây là sự kiện tạo điểm nhấn, được kỳ vọng gia tăng sức bật trong trong thu hút đầu tư hạ tầng các khu, CCN của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Thời gian tới, tỉnh chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành. Quan tâm thu hút và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, CCN có chuyên môn và tiềm lực thực sự về tài chính, đầu tư hạ tầng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những nhà đầu tư dự án lớn, có công nghệ cao thân thiện môi trường..., đảm bảo nhanh chóng xây dựng, lấp đầy các khu, CCN theo quy hoạch. Căn cứ vào sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề, địa phương, chọn lọc thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng các khu, CCN đã được quy hoạch với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn; đẩy mạnh phát triển khu, CCN tại các địa phương có nhiều lợi thế và gắn việc phát triển với liên kết các ngành thương mại, dịch vụ trong phát triển kinh tế; đồng thời đảm bảo gắn với không gian công nghiệp cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với các tuyến hành lang kinh tế và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc nhằm tranh thủ các mối liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng, hợp tác với khu vực và quốc tế. Tiếp tục đôn đốc UBND các huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án khu, CCN đang triển khai thực hiện trên địa bàn, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cho chủ đầu tư; kịp thời có giải pháp hỗ trợ đối với chủ đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN. Huy động cao nhất mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng có tính kết nối vùng, tạo động lực để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, đặc biệt là một số tuyến giao thông trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài; hạ tầng kết nối với các khu, CCN./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin