Nông dân Hải Hậu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

08:16, 13/04/2023

Thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên nông dân huyện Hải Hậu luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, năng động sáng tạo, chủ động khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Ông Phạm Thế Thành, hội viên nông dân xã Hải Giang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn.
Ông Phạm Thế Thành, hội viên nông dân xã Hải Giang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thường xuyên được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của hội viên nông dân. Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tham gia phát triển làng nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, nuôi trồng thuỷ sản và trồng màu, trồng cây dược liệu; tập trung sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Bình quân hàng năm, toàn huyện có từ 25 nghìn đến 27 nghìn hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 35-40% so với số hộ nông dân, vượt so với chỉ tiêu cấp trên giao. Để khuyến khích hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân (HND) huyện đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo HND các xã, thị trấn thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác giai đoạn 2018-2023. 5 năm qua đã phối hợp tổ chức 906 lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cho 92.338 người; 25 lớp tập huấn về liên kết chuỗi giá trị và xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản an toàn cho 1.126 cán bộ, hội viên; cử 110 lượt người dự các lớp tập huấn về mô hình kinh tế tập thể do HND tỉnh tổ chức. Các cấp HND trong huyện trực tiếp vận động và hướng dẫn thành lập 2 HTX, 16 tổ hợp tác, 16 tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có 47 HTX và 16 tổ hợp tác được thành lập. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hoá, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Cùng với đó, ngành nghề dịch vụ ở nông thôn ngày càng được củng cố, mở rộng quy mô. Toàn huyện có 44 làng nghề truyền thống đã được công nhận như: làng nghề thủ công mỹ nghệ, nghề mộc, nghề đúc nhôm, nghề dệt chiếu, dệt cước, may công nghiệp, thêu ren… tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động của huyện.

Nhằm đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ xây dựng và tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, 34/34 cơ sở Hội đã thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ. Tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện trên 2,3 tỷ đồng cho 91 hộ vay phát triển mô hình sản xuất. HND huyện còn quản lý và điều hành nguồn vốn vay ủy thác Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và Trung ương 3 tỷ đồng cho 62 thành viên của 6 tổ hợp tác vay vốn phát triển mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, các cấp Hội tổ chức tốt hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ 237,764 tỷ đồng cho 7.230 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho 7.772 hội viên nông dân vay vốn với tổng số tiền 3.335,72 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các phòng, ban, công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển ngành nghề. 5 năm qua, HND từ huyện đến cơ sở đã tổ chức 906 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 42 nghìn lượt hội viên nông dân. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật phòng và điều trị bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác nuôi trồng thuỷ sản… giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm. HND huyện còn phối hợp mở 28 lớp dạy nghề; HND các xã, thị trấn phối hợp mở 60 lớp dạy nghề may công nghiệp, trồng cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản cho 2.682 hội viên. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 80%. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ nông dân trong quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các cấp HND trong huyện đã thành lập và ra mắt 1 cửa hàng nông sản an toàn tại xã Hải Thanh, bán các sản phẩm nông sản của HTX và các sản phẩm OCOP của các địa phương trong toàn huyện; phối hợp thành lập 5 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. Các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa các sản phẩm tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và đăng ký sản phẩm OCOP hàng năm. Phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Toàn huyện đã có 84 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng 3-4 sao, trong đó có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Phong  trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên nông dân trong huyện đã góp phần quan trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác hải sản thủy sản. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản năm 2022 đạt trên 3.700 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân 1ha canh tác năm 2022 đạt 147,3 triệu đồng. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất. Cơ cấu giống tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với ổn định năng suất, trong cơ cấu giống lúa đã có trên 90% là các giống chất lượng cao. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch) như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao (diện tích 600ha); mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (diện tích 310ha); mô hình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy (diện tích 3.200ha với 82 máy); mô hình sản xuất cây dược liệu (đinh lăng, thìa canh) theo tiêu chuẩn GapWho tại các xã Hải Lộc, Hải Quang, Hải Châu… Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, từng bước thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng hầm biogas bảo vệ môi trường. Đến nay toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, trong đó có 23 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch với bệnh lở mồm long móng. Khai thác, nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh qua các năm với 3.130ha nuôi trồng (nước ngọt 1.836ha, nước lợ 1.294ha); có 45 trang trại chuyển đổi trên đất trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Có 200 ao nuôi với diện tích trên 25ha đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, chăm sóc ao nuôi, thuận lợi cho quản lý và giảm chi phí nhân công. Tổng giá trị khai thác, nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 1.157 tỷ đồng.

Với việc đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân huyện Hải Hậu không ngừng được cải thiện nâng lên. Số hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện. Hết năm 2022, toàn huyện có 20/34 xã đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu (trừ chỉ tiêu nước sạch), trong đó xã Hải An đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định xã NTM kiểu mẫu, thị trấn Yên Định lập hồ sơ đề nghị thẩm định đô thị văn minh; có trên 75% đơn vị cấp xóm, tổ dân phố đạt và cơ bản đạt NTM kiểu mẫu. Huyện Hải Hậu phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com