Ngay đầu năm 2023, huyện Nghĩa Hưng đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các cấp, phân công địa bàn, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời giao chỉ tiêu chuẩn bị vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão (PCLB) cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện chỉ đạo xây dựng các phương án PCTT và TKCN, ứng phó với các cấp độ rủi ro, siêu bão, bão mạnh… theo phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo tổ chức PCTT hiệu quả, kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.
Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại xã Nghĩa Trung (6-2022). |
Xã Nghĩa Hải được giao nhiệm vụ bảo vệ đê tả sông Đáy từ K202+20 đến K204+233 (đoạn từ giáp xã Nghĩa Hùng đến hết đê tả sông Đáy), đê biển từ K23+938 đến K26+325 (từ cống Tiền Phong đến hết đê biển) và quản lý các hoạt động liên quan đến đê điều thuộc địa phận được tạm giao quản lý hành chính trên tuyến đê Cồn Xanh. Đồng chí Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong mùa mưa bão năm nay, mục tiêu cụ thể của xã là giữ an toàn các tuyến đê, các công trình công cộng, nhà ở của nhân dân, công trình thủy lợi khi có bão cấp 8, cấp 9, đảm bảo 80% diện tích lúa không bị ngập úng… Thời gian qua, xã đã chủ động tu sửa các trường học, trạm y tế, hợp tác xã (HTX) và các nơi công sở để phục vụ công tác phòng, chống khi có bão lũ xảy ra. Huy động mỗi hộ dân chuẩn bị sẵn 2 bao tải đất, khi có lệnh thì mang tập kết tại vị trí quy định của từng xóm. Hiện các xóm đã thành lập tổ xung kích từ 12-20 người với lực lượng chủ yếu là dân quân, đoàn viên thanh niên sẵn sàng khi có lệnh huy động sẽ tập trung đầy đủ tại vị trí quy định để tham gia công tác PCTT và TKCN. Các vật tư dự trữ gồm 4.000 cọc tre, 3.000 bao tải, 1 chiếc máy phát điện, 2 chiếc xe tải… đã được chuẩn bị đầy đủ tại điểm tập kết. Xã đã chỉ đạo HTX có kế hoạch chống úng, khoanh vùng chủ động khắc phục việc tiêu úng khi mưa lớn kéo dài. “Xã tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân để mọi người hiểu rõ nguy cơ và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị sẵn sàng PCTT và TKCN, không để bị bất ngờ khi có thiên tai xảy ra; đồng thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư” - đồng chí Nguyễn Văn Quân cho biết thêm.
Mặc dù là xã nội đồng song xã Nghĩa Tân cũng hết sức chú trọng công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai. Ngay từ đầu năm 2023, UBND xã xây dựng phương án ứng cứu bảo vệ trọng điểm đê hữu sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Nghĩa Phong, phương án phối hợp tiếp nhận người dân sơ tán của xã Nam Điền. Ngoài những vật tư dự trữ PCLB thuộc nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện tập kết tại các điểm xung yếu, xã Nghĩa Tân đã chủ động đầy đủ về số lượng và chất lượng các loại vật tư thông dụng như: tre, chà rào, đất… phục vụ PCTT. Thời gian qua, Nghĩa Tân đã tiến hành thống kê hiện trạng nhà tạm, nhà yếu để có phương án sơ tán toàn bộ dân đến nơi an toàn khi có bão cấp 10, cấp 11-12 và trên cấp 12. Phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nghĩa Hưng chủ động giải tỏa bèo rác, đăng đó trên toàn bộ các tuyến kênh cấp I, cấp II, cấp III; lập biên bản, xử lý các vi phạm công trình thủy lợi, đôn đốc các hộ có vi phạm tự giải tỏa để đảm bảo công tác phòng chống úng nội đồng. Đồng chí Lương Thanh Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chủ động các phương án, xã xây dựng kế hoạch chống úng trong điều kiện nếu mưa kéo dài trong 3 ngày, không trùng với thời kỳ nghén nước sẽ đảm bảo an toàn cho 100% diện tích lúa mùa với lượng mưa dưới 200mm, 80% diện tích lúa mùa với lượng mưa 200-250mm và 75% diện tích lúa mùa với lượng mưa trên 250mm. Đồng thời cùng các xã có đê lân cận hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra lũ bão vượt mức lịch sử và tần suất thiết kế”.
Nhằm chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các đơn vị và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN, nắm và dự báo tình hình sát với thực tế của đơn vị, địa phương. Thường xuyên tổ chức luyện tập, xử lý các tình huống trong ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đã dự báo đề ra. Từ đầu năm 2023, huyện đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm cấp tỉnh là đê hữu sông Ninh Cơ từ K28+150 đến K40+500 đi qua các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong và xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến trên địa bàn huyện. Sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện đã chuẩn bị trên 9.300m3 đá hộc, 85m3 đá dăm, 42,4m3 cấu kiện thu gom, gần 180 nghìn bao nilon, 88.467m2 bạt chống tràn, 400 rọ thép, 910 áo phao cứu sinh, 1.680 phao tròn cứu sinh, 43 bộ nhà bạt các loại… tập kết tại các trọng điểm đê điều để phục vụ PCLB. Chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như tre, chà rào, bao đất đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định; phương tiện vận tải như xe ô tô bán tải, xe thồ… để vận chuyển vật tư, nhân lực khi có sự cố xảy ra. Hiện Nghĩa Hưng đã xây dựng lực lượng xung kích với trên 2.300 người; tập huấn, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã, thông qua các cuộc diễn tập PCTT gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng đông xuân 2022-2023, các xã, thị trấn đã nạo vét, đắp ấp trúc trên 126 nghìn m3 đất kênh cấp III và bờ vùng; xây mới và sửa chữa 335 cống cấp III; lắp đặt 1.419 cống bi… để nâng cao hiệu quả tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước PCTT.
Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ thành lập đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác PCTT và TKCN tại các xã, thị trấn. Tổ chức diễn tập PCTT và TKCN với tình huống sát với thực tiễn, qua đó rút kinh nghiệm, củng cố hoàn thiện phương án, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân. Thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều PCTT. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực ban, tuần tra nghiêm túc, báo cáo kịp thời để xử lý hiệu quả các sự cố xảy ra.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng công tác PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” khi mùa mưa bão đang đến gần cùng với tinh thần chủ động ứng phó sẽ giúp huyện Nghĩa Hưng có thể hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin