Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) mà Chính phủ giao, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn vay, đưa nguồn nước sạch đến với từng hộ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Được sử dụng nước sạch, sức khỏe mọi người trong gia đình anh Đỗ Văn Đan ở xóm 3 Đông Thượng, xã Trung Đông (Trực Ninh) đã được cải thiện rõ rệt. |
Đến hết 31-1-2023, dư nợ cho vay chương trình NS và VSMTNT của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đạt 1.397 tỷ 609 triệu đồng với 74.669 hộ còn dư nợ. Trong tháng 1-2023, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho vay được 1.009 hộ góp phần xây dựng hơn 2.018 công trình NS và VSNT trên địa bàn toàn tỉnh. Qua hơn 15 năm triển khai, đã có hơn 250 nghìn hộ gia đình sống tại 204 xã, thị trấn khu vực nông thôn có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để xây dựng mới và cải tạo 250.166 công trình nước sạch, 238.855 công trình vệ sinh. Hiện đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất mà Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đang thực hiện. Với việc vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NS và VSMTNT đã giúp các hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Tại huyện Ý Yên, từ năm 2007 đến hết tháng 1-2023, tổng dư nợ cho vay NS và VSMT của Phòng giao dịch đạt 189 tỷ 62 triệu đồng với 10.106 hộ đang còn dư nợ. Từ nguồn vốn NS và VSMT của Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên đã giúp cho các hộ ở nông thôn xây dựng và sửa chữa được hơn 63 nghìn công trình nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân, nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo tiêu chí gia đình nông thôn mới nâng cao. Gia đình chị Nguyễn Thị Xuyên ở thôn An Lạc, xã Yên Khánh phấn khởi chia sẻ: “Trước kia gia đình dùng nước giếng, dù đã lọc nhiều lần nhưng nước vẫn không bảo đảm vệ sinh do nước đã bị ô nhiễm bởi các chất thải từ làng nghề”. Năm 2020, gia đình chị Xuyên được vay 20 triệu đồng, cùng kinh phí tự có, gia đình đã xây dựng được khu vệ sinh khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể chứa nước. Khu vệ sinh được cải tạo, nước sạch cung cấp đến tận nhà, chất lượng đời sống sinh hoạt được nâng lên, sức khỏe bảo đảm hơn.
Tại huyện Trực Ninh, tổng dư nợ của chương trình tín dụng NS và VSMT đến hết tháng 1-2023 đạt 149 tỷ 608 triệu đồng với 7.793 hộ còn dư nợ. Gia đình anh Đỗ Văn Đan ở xóm 3 Đông Thượng, xã Trung Đông là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Anh Đan cho biết: “Công việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình tôi thường xuyên phải tiếp xúc với bụi, phế phẩm từ gỗ nên tôi thường bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Thêm vào đó, nguồn nước từ giếng khoan cũ ngày càng kém chất lượng nên tôi rất lo lắng. Rất may năm 2020, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, cùng với kinh phí tự có tôi xây được khu nhà vệ sinh và công trình bể chứa nước, bắc đường ống dẫn nước sạch về tận nhà sử dụng. Tuy vốn vay không lớn song thực sự là nguồn trợ giúp không nhỏ đối với gia đình chúng tôi trong việc đảm bảo sức khỏe, yên tâm sản xuất”.
Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: “Những kết quả đạt được của chương trình cho thấy việc ban hành chính sách tín dụng chiến lược quốc gia về cấp NS và VSMTNT là cần thiết, đảm bảo tính phù hợp, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Ngoài ra, được sử dụng nước hợp vệ sinh, người dân giảm bớt nỗi lo bệnh tật từ nguồn nước; có các công trình vệ sinh đạt chuẩn, ý thức về VSMT, vệ sinh cá nhân của người dân cũng được nâng lên, chung tay góp sức xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn mới tại địa phương”. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những khó khăn nhất hiện nay của chương trình là tiêu chí vay đối với các hộ dân nghèo sinh sống ở các địa bàn phường và thị trấn. Vì theo quy định hiện hành của chương trình, hộ dân thuộc 2 khu vực này không nằm trong diện được vay vốn. Tuy nhiên, dù là địa bàn phường, thị trấn nhưng các hộ dân nơi đây lại không sinh sống tập trung thành các cụm dân cư trung tâm như các tỉnh, thành phố lớn mà chủ yếu sống và làm việc gần nơi chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần sớm mở rộng đối tượng cho vay đối với khu vực thị trấn, phường không thuộc địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, mức cho vay theo quy định 10 triệu đồng/công trình so với tình hình giá cả hiện nay thì chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, để chương trình tín dụng NS và VSMTNT đạt hiệu quả cao hơn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đề xuất Chính phủ, Ngân hàng CSXH cần sớm mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay.
Để chương trình tín dụng NS và VSMTNT đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền về lợi ích cũng như ý nghĩa của chương trình, đồng thời lồng ghép kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Gắn việc cho vay từ chương trình NS và VSMTNT là một trong những mục tiêu chính góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường huy động vốn, chuẩn bị tốt nguồn vốn đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn đầu tư công trình NS và VSMTNT của người dân trong năm 2023./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin