Sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm - Hướng đi bền vững ở Trực Ninh

07:45, 01/03/2023

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giá trị sản phẩm lúa hàng hóa, huyện Trực Ninh đã khuyến khích, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông qua việc liên kết chuỗi với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ khâu giống, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững, đáp ứng được xu thế tiêu dùng hiện nay: ưu chuộng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa để đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa để đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ.

Trong vụ mùa năm 2021, huyện Trực Ninh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 1,5ha tại xã Liêm Hải nhằm vận động thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người nông dân. Mô hình áp dụng phương thức gieo cấy bằng “máy cấy - mạ khay”, không sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học mà dùng 100% phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ông Vũ Thế Đăng, nông dân tham gia mô hình cho biết: “Việc sử dụng phân hữu cơ cùng với áp dụng máy cấy - mạ khay đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo mật độ nên cây lúa phát triển tốt, độ đồng đều cao, hạn chế sâu bệnh. Toàn bộ quá trình canh tác từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất thuốc BVTV, phân bón, chất kích thích sinh trưởng… nên người làm ruộng như tôi không lo nhiễm độc hại trong quá trình sản xuất”. Không chỉ vậy, canh tác lúa theo hướng hữu cơ còn góp phần khắc phục tình trạng vỏ chai, lọ, gói thuốc BVTV vứt bừa bãi trên đồng ruộng làm phát tán dư lượng thuốc trong vỏ ra ruộng đồng, nguồn nước gây ô nhiễm môi sinh, nhận thức về sản xuất nông nghiệp “sạch” của người nông dân cũng được nâng lên, rõ ràng hơn. Hạch toán cho thấy năng suất lúa sản xuất hữu cơ bình quân đạt 210 kg/sào, lợi nhuận 2,1 triệu đồng/sào, cao hơn 10-15% so với đại trà. Việc sử dụng phân bón hữu cơ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn; hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo cân bằng, có cá, ốc, cua đồng… cùng sinh sống trên ruộng lúa. Hiện nay mô hình đang tiếp tục được nhân rộng tại địa phương góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng.

Từ năm 2019, anh Nguyễn Văn Toán, nông dân thị trấn Ninh Cường đã thuê đất nông nghiệp của các hộ dân trong vùng, đầu tư sắm máy cấy, máy phun phân bón, phun thuốc BVTV để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 5ha. Anh Toán cho biết: “Qua giới thiệu của người bạn từ Nhật Bản và tiếp cận với tài liệu về phát triển nông nghiệp hữu cơ, tôi thấy có nhiều lợi ích, các sản phẩm hữu cơ ngày càng được thị trường đón nhận, tạo đầu ra ổn định, phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn”. Sau khi hoàn thành khâu cải tạo, loại bỏ tồn dư hóa chất trong đất, anh bắt tay vào trồng giống lúa ST25 theo quy trình sản xuất hữu cơ. Anh sử dụng phân chuồng hoai mục kết hợp phân hữu cơ vi sinh để bón thúc; tự chế thuốc sinh học từ hành, tỏi, ớt, gừng... kết hợp với chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, năng suất mỗi vụ bình quân đạt trên 150 kg/sào. Hiện nay, cơ sở sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm Toán Lý của anh cung ứng sản phẩm lúa hướng hữu cơ cho các đại lý, cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh với giá 40 nghìn đồng/kg (cao gấp 2-3 lần lúa đại trà). Nhận thấy giá trị kinh tế từ mô hình lúa hữu cơ của anh Toán, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn và các địa phương khác trong tỉnh đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm để về áp dụng. Hiện một số hộ dân đã đặt vấn đề liên kết với anh Toán để chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ.

Thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Trực Ninh đã quy hoạch sản vùng xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên đào tạo, tập huấn cho người lao động ở các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; vận dụng các nguồn kinh phí hợp pháp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số doanh nghiệp cùng các HTX, hộ dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất các giống lúa, Công ty TNHH Cường Tân mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa thương phẩm an toàn. Để đảm bảo quy trình sản xuất lúa gạo khép kín, Công ty đã xây dựng được hệ thống kho lạnh bảo quản giống, máy gặt, giàn sấy lúa vỉ ngang bán tự động, máy đóng gói; ứng vốn cho các hộ nông dân mua máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt liên hợp, xe vận chuyển… để cơ giới hóa các khâu phòng trừ sâu bệnh, làm đất, thu hoạch, phơi sấy. Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty cho biết: Thời gian tới, Công ty tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân ứng dụng công nghệ mới hướng tới sản xuất chế biến nông sản hữu cơ, chất lượng cao, củng cố thị trường nội địa, giành lại thị phần trong nước, kết hợp mở rộng hợp tác với các tổ chức nước ngoài liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong 2 năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh đầu tư máy cấy, thiết bị bay phun thuốc BVTV, máy gặt, hệ thống chế biến lúa và liên kết với 16 HTX và hơn chục hộ nông dân sản xuất 400ha các giống lúa ST25, Lộc Trời 183, Bắc thơm số 7…; trong đó có gần 40ha được tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, sạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng ra thị trường sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện Công ty đã xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP là “Gạo sạch Quỳnh Thanh ST25”, “Gạo sạch Quỳnh Thanh BT7”, “Gạo sạch Quỳnh Thanh 999” và mỗi năm xuất bán trên 200 tấn gạo sạch. Cũng như Cường Tân, thời gian tới Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh sẽ bắt tay vào triển khai sản xuất lúa gạo hữu cơ…

Trồng lúa hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang được nông dân huyện Trực Ninh áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Các sản phẩm lúa gạo của nông dân Trực Ninh luôn được thị trường đón nhận. Sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Trực Ninh nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung đang là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại, mở ra hướng đi phù hợp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com