Nông dân xã Xuân Phương sản xuất, kinh doanh giỏi

08:33, 03/03/2023

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hội viên nông dân xã Xuân Phương (Xuân Trường) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống nông dân nói riêng và đời sống nhân dân toàn xã nói chung.

Cơ sở sản xuất của gia đình chị Trần Thị Hồng Hạnh, xã Xuân Phương mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm sản phẩm sơn son thếp vàng bạc tinh xảo.
Cơ sở sản xuất của gia đình chị Trần Thị Hồng Hạnh, xã Xuân Phương mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm sản phẩm sơn son thếp vàng bạc tinh xảo.

Đến thăm cơ sở sản xuất tòa tượng, sơn son thếp vàng bạc Huấn Hạnh của gia đình chị Trần Thị Hồng Hạnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi vợ chồng chị tạo dựng được. Chị Hạnh cho biết, nhà chồng chị ở làng nghề Kiêu Kỵ (Hà Nội), nơi nổi tiếng với nghề dát vàng để thếp lên các sản phẩm sơn son. Các sản phẩm do gia đình chị sản xuất đều là hàng tinh xảo, đòi hỏi tay nghề cao và mất rất nhiều thời gian. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị làm khoảng 3 công trình lớn và hàng trăm sản phẩm dùng trong các gia đình. Tâm huyết với nghề, chị Hạnh không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập của thợ đục, thợ mộc 500 nghìn đồng/ngày; thợ sơn 300 nghìn đồng/ngày. Với uy tín tạo dựng được sau nhiều năm sản xuất, cơ sở của gia đình chị Hạnh đã được mời tham gia làm nhiều công trình tôn giáo lớn. Nhiều mặt hàng được chuyển sang nước ngoài. Chị Hạnh đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề” năm 2021. Thời gian tới, chị dự định sẽ mang một số sản phẩm sang nước Ý - nơi nổi tiếng với những công trình tôn giáo lớn để quảng bá nét đẹp văn hóa của nghề truyền thống đến bạn bè quốc tế.

Còn tại cơ sở sản xuất tượng gỗ Huy Hiệu của gia đình ông Trần Văn Hiệu, không khí sản xuất cho đơn hàng của năm mới đang rất khẩn trương, sôi động. Trong nhà xưởng rộng 500m2, những người thợ đang miệt mài đục, chạm những bức tượng Công giáo đủ kích cỡ; các bà các chị đang chau chuốt lại những bức tượng đã hoàn thiện. Bằng sự tỉ mỉ, say nghề và đôi tay khéo léo, tài hoa, những người thợ đã “thổi hồn” vào từng pho tượng khiến chúng thật sống động, đạt tính thẩm mỹ cao. 15 năm qua, ông Hiệu đã duy trì, phát triển nghề sản xuất tượng do cha ông để lại và tận tâm truyền nghề cho nhiều người. Từ chỗ chủ yếu làm thủ công, gia đình ông đã đầu tư máy móc, công nghệ trị giá 2 tỷ đồng để sản xuất. Nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu, thường xuyên thay đổi mẫu mã, bắt kịp với xu hướng mới, sản phẩm của gia đình ông được bán khắp cả nước, phục vụ cho các gia đình và nhà thờ. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 10 nghìn tượng gỗ Công giáo. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho 40-50 lao động với mức thu nhập 8-15 triệu đồng/thợ chính, 4-5 triệu đồng/thợ phụ.

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Xuân Phương ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng ngày một nâng lên, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Từ phong trào bước đầu đã hình thành các mô hình tiêu biểu, xuất hiện nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiêu biểu như hộ ông Hoàng Ngọc Hải, chi hội 6 đã tích tụ ruộng đất, cải tiến đưa toàn bộ máy móc như máy gặt, máy cấy, máy phun thuốc sâu trên không vào sản xuất, góp phần giảm chi phí và sức lao động, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, ngành nghề thêu ren ở thôn Phú Nhai tiếp tục được duy trì, phát triển. Điển hình là hộ các ông Đinh Trường Cửu, Đinh Kim Khải, Đinh Kim Hoàn ở chi hội Bắc có khoảng 7-15 công nhân có việc làm thường xuyên. Nghề mộc, chạm khắc cũng được phát triển, tiêu biểu như hộ các ông Trần Văn Hiệu, Trần Văn Hiện, Hoàng Văn Nam, chi hội 1 thường xuyên có từ 10-20 thợ. Ngoài ra còn phải kể đến hộ ông Đinh Văn Thắng với nghề sản xuất các mặt hàng trang trí bằng xi măng; nghề thợ xây, cốt pha của hộ các ông Đỗ Văn Nhân, Hoàng Văn Đường; cơ sở đan ró cói của bà Hoàng Thị Oanh... đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp đời sống hội viên ngày càng ổn định.

Đồng chí Đỗ Thị Giang, Chủ tịch HND xã Xuân Phương cho biết: Để khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hàng năm, Hội Nông dân (HND) xã phối hợp với Ban nông nghiệp xã tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 257 hộ hội viên, nông dân vay vốn với số tiền trên 10,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất; phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT quản lý 8 tổ vay vốn cho 260 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 145 tỷ đồng. Năm 2022, HND xã cũng đã tham mưu với Đảng ủy xã thành lập ban vận động, xây dựng kế hoạch vận động tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân đến hết năm 2022 là 51 triệu đồng, giúp hội viên có thêm một kênh vay vốn để phát triển kinh tế. Những kết quả đạt được từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của hội viên, nông dân đã góp phần quan trọng để năm 2022 xã Xuân Phương được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; các xóm 1, 2, 4, 5 được UBND huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Thời gian tới, HND xã Xuân Phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; phấn đấu thành lập 1 tổ hợp tác để liên kết hội viên trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình hội viên nông dân làm kinh tế giỏi ở các lĩnh vực để cổ vũ, động viên phong trào thi đua ngày càng thiết thực và hiệu quả./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com