Để tránh lãng phí tài nguyên, hạn chế tình trạng người dân lấn, chiếm đất để trống, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tăng cường quản lý, đưa vào khai thác các diện tích thuộc quỹ đất chưa sử dụng.
Xã Điền Xá (Nam Trực) khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông để trồng hoa, giúp gia tăng thu nhập cho người dân. |
Hàng năm UBND cấp xã rà soát quỹ đất chưa sử dụng, đăng ký vào hồ sơ địa chính khi thống kê, kiểm kê đất đai và đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời áp dụng đầy đủ các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư thuê đất, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch. UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất lúa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ việc khai hoang, cải tạo, đưa đất chưa sử dụng vào khai thác. Do đó, những năm gần đây quỹ đất chưa sử dụng của tỉnh có sự biến động đáng kể. Thống kê theo giai đoạn của ngành Tài nguyên và Môi trường cho thấy, năm 2010, tỉnh có 4.217ha đất chưa sử dụng nhưng đến năm 2020 tổng diện tích đất chưa sử dụng giảm 1.041ha, còn 3.176,37ha, phân bố tại các huyện, thành phố gồm: Giao Thủy 687ha, Hải Hậu 201ha, Mỹ Lộc 4ha, Nam Trực 66ha, Nghĩa Hưng 1.877ha, Trực Ninh 58ha, Vụ Bản 51ha, Xuân Trường 99ha, Ý Yên 127ha, thành phố Nam Định 6ha. Phần diện tích đất giảm đã được nhân dân đưa vào sử dụng cho các mục đích sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, những diện tích đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp, gia tăng tư liệu sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho nông dân. Những diện tích đất được khai thác cho xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, nhất là các hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị đã giúp cải thiện, tăng năng lực cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đem lại nhiều lợi ích, giá trị hưởng thụ cho người dân.
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu Chính phủ giao thì việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi mục đích, khai thác đất chưa sử dụng của tỉnh đạt kết quả thấp. Cụ thể, Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, đất chưa sử dụng của tỉnh chỉ còn lại 688ha nhưng kết quả thực tế còn tới 3.176ha, chưa đưa vào sử dụng so với phương án được duyệt 2.488ha. Ở chỉ tiêu chuyển mục đích được duyệt, đất chưa sử dụng được giao sang đất nông nghiệp, đến năm 2020 tỉnh phải chuyển 3.165ha nhưng kết quả mới chuyển được 59ha, chưa thực hiện 3.105ha. Trong đó, mới chuyển được 0,27ha đất sang diện tích trồng lúa trong tổng chỉ tiêu được giao là 34ha; mới đưa 9ha vào trồng cây hàng năm khác trong tổng chỉ tiêu được giao là 370ha; chưa chuyển 10ha sang đất trồng cây lâu năm theo chỉ tiêu giao; mới khai thác được 26ha để trồng rừng phòng hộ trong tổng chỉ tiêu cần khai thác 1.247ha; chưa thực hiện được chỉ tiêu khai thác 202ha đất rừng phòng đặc dụng; mới khai thác được 16/1.286ha theo chỉ tiêu vào nuôi trồng thủy sản. Theo Nghị quyết số 135/NQ-CP, đến năm 2020 tỉnh cần đưa vào sử dụng 1.052ha cho các mục đích phi nông nghiệp nhưng kết quả mới khai thác được 210ha. Theo UBND tỉnh, nguyên nhân việc đưa diện tích đất chưa sử dụng vào khai thác đạt kết quả thấp là: Do sự bồi đắp ven biển thuộc huyện Giao Thuỷ; một số công trình, dự án thiếu vốn, chưa thực hiện được; trong quá trình đầu tư, xây dựng một số dự án trên địa bàn đã tiến hành thu hồi đất giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn tất thủ tục, công đoạn giao, thuê đất để thực hiện dự án hoặc phải xác định lại loại đất theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BTNMT để đảm bảo đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất...
Định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ đưa 2.219ha đất chưa sử dụng vào khai thác cho các mục đích sản xuất nông nghiệp và hoạt động phi nông nghiệp, phấn đấu giảm diện tích đất chưa sử dụng xuống còn 957ha, chiếm 0,57% tổng diện tích tự nhiên. Cụ thể, sẽ đưa 1.524ha đất vào sản xuất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, trồng rừng phòng hộ; đưa 695ha đất phi nông nghiệp vào sử dụng cho các mục đích đất quốc phòng, đất khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, đất ở đô thị, đất xây dựng trụ sở cơ quan… Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương gia tăng các biện pháp, sớm khắc phục triệt để các vướng mắc trong chuyển đổi, đưa nhanh diện tích đất chưa sử dụng vào khai thác theo quy hoạch, kế hoạch. Chú trọng gỡ vướng trong phân định cụ thể, đúng loại đất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm đưa các phần diện tích đất chưa sử dụng vào đầu tư xây dựng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Trong giai đoạn tiếp theo, các cấp, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu quả và khai thác triệt để tiềm năng đất đai, nhất là quỹ đất chưa sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất các ngành. Tỉnh cũng giao chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi, đưa đất chưa sử dụng vào khai thác cho từng địa phương. Tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương xây dựng cơ chế và đưa thành nền nếp việc theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, phải áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Các diện tích đất chưa sử dụng sau khi căn cứ thực tế điều kiện quỹ đất sẽ ưu tiên đưa vào khai thác để phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống, phát triển các đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn trung tâm các huyện và quỹ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật căn cứ vào điều kiện thực tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển lâu dài, tạo cơ sở cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với diện tích đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì ưu tiên giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; đồng thời tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích...
Bên cạnh đó, do biến động trong quá trình thay đổi mục đích sử dụng, tiếp tục phát sinh một số diện tích khó sử dụng theo phương án, quy hoạch sử dụng đất đã phê duyệt ban đầu. Chẳng hạn như, sau khi giải phóng mặt bằng làm đường trục phát triển kinh tế thì một số hộ dân ở huyện Ý Yên có diện tích còn lại không thu hồi quá bé, hình thái méo, chéo, khó canh tác, sử dụng nên có đề nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương, chính sách thu hồi những diện tích trên. Đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi một phần đất nông nghiệp của người sử dụng đất mà phần diện tích còn lại manh mún, khó canh tác, tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện theo quy định tại Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 30-9-2021 của UBND tỉnh. Cụ thể là UBND cấp huyện sẽ ra quyết định thu hồi đối với trường hợp thửa đất còn lại sau khi thu hồi có diện tích dưới 50m2 nếu chủ sử dụng đất có đơn đề nghị thu hồi; trường hợp diện tích còn lại từ 50m2 đến 100m2 nhưng có hình thể chéo, méo hoặc vị trí thửa đất khó khăn cho việc canh tác nông nghiệp, nếu chủ sử dụng đất có đơn đề nghị thu hồi thì UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và UBND cấp xã nơi có đất kiểm tra thực địa; nếu thực sự không đảm bảo điều kiện canh tác thì UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật (bằng nguồn kinh phí chủ đầu tư dự án chi trả và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án); sau đó giao cho UBND cấp xã quản lý. Trường hợp đặc biệt sẽ do UBND tỉnh quyết định.
Bằng nhiều biện pháp, tỉnh hướng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi, đưa vào khai thác quỹ đất chưa sử dụng để nguồn tài nguyên đất được sử dụng bền vững, tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin