Hạ tầng viễn thông là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS). Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh đã quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông để đảm bảo năng lực kết nối internet, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Trạm thu phát sóng thông tin di động được xây dựng trên địa bàn xã Yên Nhân (Ý Yên). |
Thực hiện chương trình CĐS với nền móng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh còn hạn chế như tốc độ chậm, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển các công nghệ hiện đại như internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh; việc tiếp cận dịch vụ cáp quang băng rộng ở nông thôn còn hạn chế. Do đó tỉnh đã mở rộng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các tập đoàn lớn về CNTT như: VNPT, Viettel, FPT... để phát triển nguồn nhân lực CNTT của tỉnh và hỗ trợ tỉnh hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cung cấp giải pháp số.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp đã phát triển mới được 101 trạm BTS, nâng tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động hiện có lên 1.682 vị trí (1.068 trạm 2G và 1.526 trạm 3G, 1.471 trạm 4G). Duy trì hơn 1,825 triệu thuê bao di động và 317.960 số thuê bao truy cập internet băng rộng hiện có trên mạng. Quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng là mục tiêu mà các doanh nghiệp viễn thông, các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT đang hướng đến, góp phần đẩy mạnh hoạt động trên môi trường điện tử, phù hợp với sự phát triển của đơn vị, địa phương trong tỉnh trong tiến trình số hóa ở các lĩnh vực. Trong đó, VNPT Nam Định tập trung phát triển hạ tầng mạng lưới đảm bảo khả năng kết nối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân như hệ thống thiết bị trung tâm điều hành thông minh (IOC) đảm bảo năng lực xử lý, lưu trữ, bảo mật… của Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành trong tỉnh. VNPT Nam Định cũng đã xây dựng hạ tầng viễn thông băng thông rộng, tốc độ cao lên đến hàng trăm Mbps. Kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 1, 2 đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. 100% các thôn, xóm đều có mạng cáp quang băng thông rộng. Ngoài ra, VNPT Nam Định còn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 3G, 4G tốc độ cao, đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng phục vụ CĐS. Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Mạng internet, mạng 4G cáp quang băng rộng triển khai đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn góp phần giúp chính quyền cơ sở, doanh nghiệp và người dân khai thác dữ liệu nhanh chóng, tiện lợi. Hạ tầng viễn thông, CNTT, các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí. Đến giữa tháng 3-2023, Nam Định vinh dự được Bộ TT và TT xếp thứ 2 toàn quốc về Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trên môi trường điện tử và tăng 7 bậc so với năm 2022. Trong đó, đã đưa 1.205 TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến kết nối một phần và toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh đạt 96,44%, cấp huyện đạt bình quân 99%.
Nhân viên kỹ thuật VNPT Nam Định kiểm tra kỹ thuật đường truyền di động trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Việc phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT có vai trò quyết định trong xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố thông minh và là động lực thúc đẩy quá trình CĐS tại tỉnh nhanh và hiệu quả hơn. Nhiệm vụ CĐS trong giai đoạn tiếp theo được xác định là đẩy mạnh phát triển xã hội số và kinh tế số, do đó hạ tầng viễn thông phải tiếp tục được ưu tiên phát triển. Cụ thể như: xây dựng hạ tầng băng rộng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp để nâng cấp tốc độ, đường truyền làm cơ sở để phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ băng rộng qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp với chỉ tiêu năm 2023 có 80% thuê bao băng rộng di động/100 dân; 65% hộ gia đình có số thuê bao băng rộng cố định; 75% số hộ gia đình có thuê bao cáp quang; 100% xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang; 100% cơ quan, đơn vị của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội có kết nối băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/giây. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng thông tin di động, hạ tầng mạng ngoại vi với chỉ tiêu: Phủ sóng thông tin di động (3G, 4G) đến 100% khu vực dân cư với tốc độ tải dữ liệu 4G đạt 60Mb/giây; 85% tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động có điện thoại di động thông minh; 100% tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên thôn, liên xã được phủ sóng thông tin di động; ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi tại các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu di tích, khu công nghiệp xây dựng mới đang được triển khai xây dựng; khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; nâng tỷ lệ dùng chung hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động phát triển mới lên trên 40%; xây mới 363 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng thông tin di động và xây dựng hệ thống ứng dụng GIS quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin