Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp trong tỉnh ngày một thuận lợi trong tiếp cận và tận dụng cơ hội mang lại từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp của tỉnh đã mở rộng, vươn xa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; trong đó, tập trung ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp sang các thị trường của 3 FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) trong năm 2022 tiếp tục tăng dù bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và các xung đột kinh tế - chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới. Một số mặt hàng tiêu biểu của các ngành hàng dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cơ khí chế tạo, nông sản chế biến đã trở thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh và là sản phẩm được hưởng lợi nhất khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực. Đạt được kết quả đáng ghi nhận này cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực đáng kể, dần bắt kịp với xu hướng chung của cả nước trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế, tham gia các FTA thế hệ mới.
Nhờ chủ động thực hiện các tiêu chí khắt khe về công nghệ, chất lượng sản phẩm, người lao động nên Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã khai thác hiệu quả lợi thế các FTA mang lại. |
Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA, thời gian qua, Sở Công Thương đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, chủ động đề xuất tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy các mặt hàng thế mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA. Nhờ đó, tỉnh ta đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA. Sở Công Thương trực tiếp chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các hội nghị phổ biến các FTA giúp các cơ quan Nhà nước liên quan hiểu đúng về các quy định, tầm quan trọng và sự tác động của các FTA đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt và khai thác hiệu quả lợi ích mà các FTA mang lại. Trong đó đã chú trọng cung cấp, phổ biến thông tin cho từng nhóm doanh nghiệp theo ngành nghề để các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện nhất, sâu sắc nhất về những lợi ích mà các FTA mang lại, từ đó tận dụng được tối đa lợi ích đó. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương còn tăng cường phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình thâm nhập thị trường các nước tham gia các FTA; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và đăng ký bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp của tỉnh cũng không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Công ty Cổ phần May Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp uy tín, có biên lợi nhuận cao trong ngành nhờ khả năng sản xuất sản phẩm có độ khó cao, đội ngũ lao động lành nghề và quản lý chi phí tốt; sản lượng sản phẩm xuất FOB của Công ty chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận. Từ nhiều năm trước Công ty đã chủ động xây dựng tầm nhìn, chuẩn bị và nỗ lực thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường tham gia các FTA (bao gồm các tiêu chí về sản xuất, chất lượng, môi trường, lao động...). Nhờ đó Công ty vẫn vượt qua mọi khó khăn, thách thức thời gian qua để duy trì hiệu quả hoạt động của hơn 20 nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh với 11 nghìn lao động đạt mức thu nhập cao trong khối các doanh nghiệp dệt may của tỉnh dù doanh nghiệp mất đi một đối tác lớn, lâu năm khi New York&Co (NYC) tuyên bố phá sản, cộng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu chính của Công ty với nhiều đối tác sản xuất là các thương hiệu may mặc nổi tiếng toàn cầu như: GAP, Old Navy, Timberlands, JCPenny, Diesel, Spyder, Champion, Columbia, G-III, Haddad; tại thị trường nội địa, các sản phẩm chăn ga gối đệm của Công ty cũng đã tạo được chỗ đứng vững chắc, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhập khẩu. Thời gian tới, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng việc tiếp tục tiếp cận, khai thác các FTA vẫn là động lực chính để Công ty Cổ phần May Sông Hồng nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thêm các bạn hàng tiềm năng mới. Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành công tại thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhờ “chất xúc tác” của các FTA. Đáng kể, từ tháng 11-2021 đến nay, Công ty còn xuất khẩu sản phẩm ngao thịt đóng hộp sang thị trường châu Âu. Để có được thành công đó, Công ty đã chủ động tiếp cận thị trường các nước tham gia các FTA và tích cực đầu tư để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... Trong đó, đã chú trọng xây dựng tốt những chuỗi liên kết với các nhà cung cấp, người nuôi ngao nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu tốt cho nhà máy. Từ năm 2019, Công ty đã xây dựng các chuỗi liên kết ASC với các hộ nuôi ngao trong tỉnh. Đến tháng 5-2020, “Vùng nuôi Liên kết Lenger Farm” quy mô 500ha của Công ty với các hộ nuôi ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix lyrata, một chứng nhận quốc tế về nuôi trồng bền vững, an toàn thực phẩm và có trách nhiệm xã hội. Bởi vậy, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề do ngao chết hàng loạt trên diện rộng và đại dịch COVID-19 bùng phát làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, các chuỗi tiêu thụ, song nhờ có những quan hệ tốt với các khách hàng trong nước và tích cực tiếp cận, mở rộng thị trường tại các nước tham gia các FTA nên Công ty vẫn đảm bảo tăng trưởng sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Sản phẩm ngao xuất khẩu mang lại giá trị cao từ 2 đến 3 lần so với xuất bán tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, tỉnh ta đã tích cực khai thác lợi thế là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài hoặc trong nhóm các nước tham gia các FTA muốn tận dụng yêu cầu xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cùng các tiềm năng về phát triển kinh tế, vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường vĩ mô, chính trị ổn định, độ mở kinh tế lớn. Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư FDI của tỉnh trong những năm gần đây ngày một chuyển biến tích cực; trong năm 2022 rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng, quy mô ở nước ngoài tiếp cận, cam kết đầu tư các dự án lớn tại Nam Định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Đáng chú ý là các đối tác FTA ngày càng đẩy mạnh thực thi và giám sát các vấn đề về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững buộc các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường có tham gia các FTA phải gia tăng các giải pháp thích ứng các thách thức này.
Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng phát triển hạ tầng logistics phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu; gia tăng các giải pháp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn cho đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá. Quan tâm phát triển các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế, tiềm năng của tỉnh như dệt may, da giày, nông thủy sản, thủ công mỹ nghệ... theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe của thị trường các FTA tự do thế hệ mới. Ngoài các thị trường truyền thống, tập trung phát triển thêm các thị trường có tiềm năng như thị trường châu Âu. Tỉnh cũng tiếp tục cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, để nâng cao hiệu quả thu hút nhà đầu tư của các nước trên thế giới đến nghiên cứu, hợp tác đầu tư với công nghệ tiên tiến, hiện đại, quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chí mà thị trường các nước tham gia FTA đòi hỏi.
Về phía các doanh nghiệp, cần phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáng tin cậy; tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, để khai thác hiệu quả hơn lợi thế từ các FTA đem lại, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin