Phát huy lợi thế là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, hội viên nông dân thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) đã tích cực tham gia đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần thực hiện mục tiêu có tính chiến lược, lâu dài của tỉnh nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.
Sản phẩm mắm cáy và nước mắm mang thương hiệu Ninh Cường của gia đình anh Trần Văn Phúc đã được xếp hạng OCOP 3 sao. |
Đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm và mắm cáy của anh Trần Văn Phúc, từ xa đã cảm nhận được hương vị mặn mòi đặc trưng. Trên khoảng sân rộng, những chum mắm các loại xếp thẳng tắp theo hàng lối chuẩn bị được chiết rót, đóng vào chai, dán nhãn sản phẩm gửi đến các tỉnh theo đơn đặt hàng. Vừa nhanh tay khuấy đảo, kiểm tra chất lượng chum mắm cáy, anh Phúc vừa chia sẻ về chặng đường đầy khó khăn của nghề. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, năm 2006, anh bắt đầu khởi nghiệp chế biến nước mắm theo phương pháp truyền thống. Sau thời gian gián đoạn do nước mắm công nghiệp xuất hiện, bị cạnh tranh về thị trường tiêu thụ, năm 2010, anh quay lại đầu tư hệ thống bể, tiếp tục sản xuất dòng nước mắm cốt truyền thống với các sản phẩm: mắm chắt, mắm mực, mắm cá cơm, mắm cáy. Anh Phúc cho biết: Để làm ra loại mắm cáy thơm ngon, đỏ au phải chọn mua nguyên liệu chủ yếu từ huyện Nghĩa Hưng vào thời điểm từ mùa đông đến hết tháng 2 âm lịch, lúc đó cáy mẩy, chắc thịt nhất, sau đó cáy có trứng sẽ gầy. Trung bình mỗi năm, anh chế biến 2 tấn cáy và khoảng 50-60 tấn cá nguyên liệu, cho thành phẩm từ 25 nghìn đến 30 nghìn lít. Toàn bộ cơ sở được đầu tư sản xuất trong hệ thống nhà lưới khép kín; sản phẩm được chứa đựng hoàn toàn trong chum sành để đảm bảo chất lượng mắm ngon, sạch, an toàn nhất. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Phúc đã có 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao gồm mắm cáy Ninh Cường và nước mắm Ninh Cường. Không chỉ đi nhiều nơi, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu đặc sản mắm cáy do gia đình sản xuất, anh Phúc còn nhận tiêu thụ cho bà con làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) trên 20 nghìn lít nước mắm mỗi năm.
Còn tại cơ sở sản xuất, chế biến thóc gạo của gia đình anh Nguyễn Văn Toán, từ năm 2017, anh đã tập trung trồng lúa trên tổng diện tích 5ha, trong đó có 3ha theo phương pháp hữu cơ. Giống lúa được anh chọn trồng là ST25 cho hạt gạo thon dài, trắng trong, có hàm lượng dinh dưỡng cao, khi nấu lên cơm dẻo, vị ngọt đậm, có mùi thơm như cốm, được thị trường rất ưa chuộng. Anh còn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy cấy, máy gieo mạ, máy sấy lúa, máy xát gạo, vừa góp phần giảm chi phí sản xuất, nhân công lao động, vừa đảm bảo chất lượng gạo tốt nhất trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất, anh đã được địa phương giúp đỡ về diện tích trồng lúa và hướng dẫn các thủ tục pháp lý để phát triển thành sản phẩm OCOP. Sản phẩm gạo mộc Hương Tâm của gia đình anh đã đạt OCOP 3 sao năm 2021. Anh Toán cho biết: “Từ định hướng ban đầu sản xuất gạo hữu cơ để dùng, sau khi gạo mộc Hương Tâm được xếp hạng OCOP đã được nhiều người biết tới. Đến nay, cơ sở cung cấp ra thị trường 2 tấn gạo/năm với giá bán 40 nghìn đồng/kg”. Thời gian tới, anh Toán sẽ tập trung đầu tư thêm trang thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm về gạo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng như mì ngũ sắc, mì gạo lứt, bột ăn dặm cho trẻ em…
Ngoài sản phẩm nước mắm Ninh Cường, mắm cáy Ninh Cường, gạo mộc Hương Tâm, sản phẩm kẹo lạc Vũ Thịnh cũng đã được xếp hạng OCOP. Các sản phẩm OCOP của hội viên nông dân thị trấn Ninh Cường đã phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm, được thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Một số sản phẩm đã có mặt trong hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại. Ông Trần Văn Khẩu, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) thị trấn cho biết: “Để khuyến khích nông dân tham gia phát triển sản phẩm OCOP, HND thị trấn đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cho hội viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; hướng dẫn các hộ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí”.
Theo quy định, các chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm hướng dẫn các hộ nông dân phát triển các sản phẩm OCOP mới mang đặc trưng riêng vùng miền, HND thị trấn Ninh Cường tiếp tục tuyên truyền cho hội viên tăng cường đảm bảo các quy định về chất lượng đối với những sản phẩm đã được xếp hạng; đồng thời tạo điều kiện quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin