Nâng cao chất lượng công tác dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, màu

08:03, 05/01/2023

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đen lép hạt, chuột, ốc bươu vàng… phát triển gây hại cho lúa, rau màu. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, dịch hại xảy ra thường xuyên, nông dân một số nơi còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên các lứa sâu gối lứa liên tục, nhiều thế hệ xuất hiện trong cùng một lứa khiến công tác dự tính, dự báo sâu bệnh ngày càng phức tạp hơn. Do đó, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phải chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại, xây dựng phương án và hướng dẫn bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, rau màu cho tất cả vụ sản xuất trong năm.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh cuối vụ trên lúa.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh cuối vụ trên lúa.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) đã duy trì phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi, phát hiện sớm và dự báo đầy đủ, chính xác tình hình phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, dịch hại trên các cây trồng chính thuộc từng địa bàn. Chủ động phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của các huyện, thành phố nắm chắc cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng của địa phương nhằm xác định đúng tuyến, điểm điều tra, thời điểm phát dục, thời gian cao điểm của các lứa sâu hại trong từng vụ sản xuất để cảnh báo sớm và tham mưu những giải pháp ngăn chặn, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng ngừa các loại sâu bệnh hại bảo vệ cây trồng một cách hữu hiệu nhất. Chi cục cũng chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện điều tra bổ sung trước mỗi lứa sâu, trước các thời kỳ cao điểm sâu bệnh; tổng hợp tình hình và gửi thông báo định kỳ về cơ quan chuyên ngành cấp trên để hướng dẫn biện pháp ngăn chặn các loại sâu bệnh hại kịp thời, không để bùng phát ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh nên công tác điều tra dự tính, dự báo dịch hại được thực hiện có hiệu quả. Hàng tuần, hàng tháng, các Trung tâm đều gửi đầy đủ thông báo định kỳ, thông báo tháng về Chi cục theo đúng quy định, đảm bảo thời gian, chất lượng thông báo. Căn cứ vào thông tin của các Trung tâm, Chi cục đã đánh giá đúng diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn người dân cách phòng trừ kịp thời. Do đó, các đối tượng sâu bệnh hại như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ và các sâu hại trên cây màu đều được phát hiện chính xác, thông báo kịp thời đến các đơn vị liên quan, các địa phương để tổ chức phòng trừ đạt hiệu quả cao. Bác Mai Văn Luyện ở thôn Báng, xã Kim Thái (Vụ Bản) cho rằng: “Việc dự tính, dự báo chuẩn xác các đối tượng sâu bệnh hại của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và hướng dẫn của Ban Nông nghiệp xã, hợp tác xã nông nghiệp đã giúp nông dân chúng tôi chủ động phòng ngừa, sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, phun đúng cách, đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao, bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng”. 

Hàng năm Sở NN và PTNT còn phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh hại. Thành lập đoàn kiểm tra thực tế để trực tiếp đôn đốc các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, tổ chức thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, trừ các đối tượng dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện thí điểm một số mô hình trình diễn các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu bệnh hại tại một số vùng trọng điểm. Thông qua các mô hình này, Chi cục tiến hành đánh giá lại toàn bộ các loại thuốc đang được nông dân sử dụng và một số loại thuốc mới trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phòng trừ các loại sâu bệnh hại. Trên cơ sở đó, đưa ra định hướng chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc phòng, trừ hiệu quả, bảo đảm an toàn môi trường, hạn chế lượng thuốc, số lượt phun, góp phần giảm chi phí đầu tư và công lao động.

Cùng với các biện pháp chuyên môn, ngành Nông nghiệp cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp thâm canh hợp lý để hạn chế sâu bệnh hại lúa, màu. Cụ thể, đối với bệnh lùn sọc cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, chủ động hạn chế sự xâm nhập của rầy ngay từ giai đoạn mạ bằng biện pháp che phủ nilon cho mạ; tăng cường thu thập, phân tích, giám định mẫu rầy di trú, rầy lứa 1, 2 để phát hiện vi-rút lùn sọc đen và làm tốt công tác phòng trừ rầy trong vụ. Đối với bệnh bạc lá, hướng dẫn nông dân gieo cấy mật độ hợp lý, bón phân cân đối, bón lót sâu, thúc sớm, không bón phân đạm thúc lúa trỗ và nuôi hạt. Ngoài ra, các địa phương phát động chiến dịch tập trung đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng khi lấy nước đổ ải và làm đất; tăng cường điều tra, phát hiện, khoanh vùng xử lý hiệu quả sâu keo mùa thu trên lúa, ngô; thực hiện gieo trồng các loại cây rau màu trong khung thời vụ tốt nhất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.

Việc chủ động xây dựng kế hoạch, nắm vững cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng của các địa phương, đồng thời xác định đúng tuyến, thời điểm điều tra và tham mưu những giải pháp ngăn chặn và phòng ngừa các loại sâu bệnh hại trên cây trồng một cách hữu hiệu nhất, là cơ sở quan trọng để bảo vệ an toàn sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com