Nhận thức rõ việc góp sức phát triển vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị khoá IX là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua Nam Định đã tận dụng tối đa các cơ hội, điều kiện thuận lợi có được từ sự quan tâm lớn của Trung ương, thúc đẩy liên kết với các tỉnh, thành, phát triển đa lĩnh vực để cải thiện vị thế địa kinh tế, đưa Nam Định sớm trở thành trung tâm vùng nam ĐBSH; cùng các địa phương đưa vùng ĐBSH trở thành vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Tỉnh chú trọng đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh để sớm đưa vào khai thác, nâng cao giá trị hợp tác liên vùng đồng bằng sông Hồng. |
Nam Định đã phối hợp với thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch; kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi sản xuất - cung ứng hàng Việt Nam giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đến nay, nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, làng nghề đặc trưng của tỉnh Nam Định cũng như của các tỉnh, thành trong vùng đều được các doanh nghiệp liên kết, trao đổi cung ứng trong toàn vùng. Ngành Y tế tỉnh đã ký các thỏa thuận với một số bệnh viện Trung ương tại Hà Nội chuyển giao kỹ thuật, đào tạo đội ngũ y, bác sĩ cho một số bệnh viện của tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Nội tiết và các bệnh viện đa khoa huyện, giúp bổ sung trang bị các kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố Hà Nội. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo của các địa phương trong vùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý giáo dục, tham quan, trao đổi kinh nghiệm quản lý trường học; thường xuyên tổ chức và tham gia các kỳ thi mở rộng do các tỉnh trong vùng tổ chức… Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam quản lý, kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy; quản lý, chia sẻ thông tin về các nguồn thải chính trên lưu vực sông; triển khai quy hoạch quản lý chất thải, quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các khu dân cư, khu công nghiệp trên lưu vực sông; phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình triển khai thực hiện hai dự án giao thông trọng điểm phục vụ hợp tác liên vùng gồm: dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng tuyến đường bộ ven biển; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; phối hợp với các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Bình, Hưng Yên xây dựng Đề án nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ thành quốc lộ… Tỉnh cũng tăng cường phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong vùng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Nhờ đó, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trong tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng nhanh; góp thần tích cực cải thiện, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đồng thời với liên kết đa lĩnh vực, tỉnh đã chủ động dồn sức cải thiện giá trị nội tại, nhất là cải thiện vị thế kinh tế; nâng cao hiệu quả thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH; rà soát lập và điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các chương trình, dự án hàng năm cơ bản tuân thủ theo định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH. Tỉnh đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai lập các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng… Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải thiện rõ rệt hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, nhất là các dự án xương sống và phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, trong các năm 2020, 2021, vốn đầu tư công được tập trung bố trí cho 2 dự án giao thông trọng điểm phục vụ hợp tác, liên kết vùng.
Tỉnh chú trọng tạo điểm nhấn bằng việc tập trung xây dựng phát triển 2 vùng kinh tế có vai trò động lực, là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả tỉnh gồm: phát triển vùng kinh tế biển; phát triển thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ tiểu vùng Nam ĐBSH. Thành phố Nam Định đã sớm hoàn thành mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh, diện mạo đô thị có sự thay đổi rõ rệt, đã hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam ĐBSH với các công trình hạ tầng, cảnh quan như: Khách sạn Nam Cường, Tổ hợp Trung tâm thương mại và nhà ở Nam Định Tower, Tổ hợp Khách sạn thông minh và trung tâm thương mại Nam Định, Khu đô thị Dệt may Nam Định, tuyến đường trục trung tâm phía nam thành phố, tuyến tránh thành phố thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B; đang tập trung thi công một số dự án quy mô vùng như là Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xây dựng cầu thứ tư qua sông Đào... Một số ngành công nghiệp chủ lực của thành phố đã khẳng định được vị thế quy mô vùng Nam ĐBSH và từng bước vươn lên đứng trong tốp đầu của cả nước. Khu kinh tế biển đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, như là Công ty TNHH Top Textiles tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đăng ký đầu tư là 203 triệu USD, Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư chuỗi dự án thuộc Tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng… Kinh tế biển dần trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% GRDP của tỉnh.
Đến nay, sự phát triển của 11 tỉnh, thành phố trong vùng đã đưa quy mô kinh tế của vùng ĐBSH đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước; khẳng định được vai trò của vùng kinh tế động lực, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.
Để tạo được chuyển biến có tính đột phá, thời gian tới tỉnh tiếp tục bám sát định hướng xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị khoá XIII tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 là “đổi mới và tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn vùng”. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò ngày một nâng cao của Nam Định khi toàn vùng tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng cao để hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021-2030, nhất là hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khi nằm trên trục hành lanh kinh tế Bắc - Nam, tỉnh sẽ được hưởng các chính sách và sự quan tâm chung của cả nước đối với vùng, ảnh hưởng lớn đến phát triển tỉnh bao gồm các dự án, công trình quy mô quốc gia, đầu tư xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ. Với kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, các tỉnh vùng Nam ĐBSH (trong đó có Nam Định) được cải thiện khả năng kết nối và tiếp cận với vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.
Để gia tăng kết nối vùng, tỉnh chủ trương thiết lập các chương trình, kế hoạch hành động chung (xúc tiến đầu tư, ưu đãi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư kết cấu hạ tầng…); phối hợp quy hoạch các ngành kinh tế, sử dụng tài nguyên nước, các vùng chuyên canh (lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp, thủy sản…) giữa các địa phương để thu hút vốn FDI hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao và các trung tâm công nghiệp lớn mang tính liên tỉnh; thiết lập giải pháp giảm thiểu cạnh tranh lẫn nhau thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tránh phát triển tràn lan nhiều khu, cụm công nghiệp; các ngành nghề, sản phẩm trùng lắp giữa các địa phương, tạo bất lợi cho sự phát triển trong nội vùng, gây tổn thất chung cho nền kinh tế. Vùng biển của tỉnh cũng nằm trong khu vực ven biển phía Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình); đây là khu vực được định hướng xây dựng trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện. Vì vậy, tỉnh cũng tích cực xác định các ngành kinh tế biển phù hợp để gắn kết và tận dụng được các cơ hội phát triển của khu vực. Gia tăng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch với một số tỉnh ĐBSH, tiêu biểu nhất là các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh phía Bắc: Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) - Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) - Tam Chúc (Hà Nam) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Yên Tử (Quảng Ninh). Bên cạnh du lịch, chú trọng liên kết trên mở rộng các khu, cụm công nghiệp, phát triển các trung tâm y tế vùng, đào tạo nghề nghiệp, thương mại và phát triển sản xuất công nghiệp phụ trợ trong các chuỗi giá trị sản xuất linh kiện điện tử, chế biến sâu nông sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...
Gia tăng sức liên kết, Nam Định phấn đấu cùng các địa phương trong vùng ĐBSH hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị khoá XIII đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin