Tăng cường hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp với Nhật Bản

08:02, 14/12/2022

Xác định phát triển hợp tác với các đối tác Nhật Bản là cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chương trình hợp tác với một số tỉnh, trường Đại học của Nhật Bản đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Lương (Ý Yên).
Sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Lương (Ý Yên).

Kết quả tích cực

Theo chương trình hợp tác giữa tỉnh ta với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami về phát triển nông nghiệp, năm 2016 các chuyên gia của tỉnh Miyazaki hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ cho Nam Định thông qua dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp”. Dự án được triển khai tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). Kết quả đã sản xuất được 5 lô phân hữu cơ với tổng sản lượng trên 200 tấn. Từ những kết quả ban đầu, mô hình tiếp tục được nhân rộng ra HTX Nam Cường và một số HTX khác trong tỉnh với sản lượng gần 500 tấn phân hữu cơ có chất lượng tốt, phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương. 

Trước đây, nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) trồng rau màu theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao do sâu bệnh, thời tiết diễn biến bất thường. Cuối năm 2018, nông dân trồng rau được xã tạo điều kiện, khuyến khích tham gia khóa học trồng rau màu và trực tiếp tham quan mô hình trồng rau tại Nhật Bản. Sau khi được tiếp thu, học tập kinh nghiệm thực tiễn tại Nhật Bản, một số hộ nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước sạch tự động phục vụ gieo trồng các loại su hào, bắp cải, cải bó xôi theo công nghệ Nhật Bản. Nhờ trồng trong nhà lưới nên việc sản xuất rau hoàn toàn chủ động về thời vụ, lịch trồng, thời điểm thu hoạch; đồng thời hạn chế tối đa các loại sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc trừ sâu. Các loại rau đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được các siêu thị, đại lý nông sản tại thành phố Nam Định đặt mua theo giá thị trường. Nhờ đó, nông dân đã có thu nhập cao gấp hơn 2-3 lần so với phương thức canh tác truyền thống…

Cùng với hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, các tỉnh trong chương trình hợp tác của Nhật Bản cũng hỗ trợ Nam Định đào tạo chuyên gia về nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ tháng 11-2015 đến nay, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại Nam Định đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo tiếng Nhật được 3 khóa học cho 120 học viên. Trong đó có 40 học viên hiện đang theo học tại Trung tâm; 23 học viên đi theo chương trình thực tập sinh làm việc tại Công ty Nông nghiệp Shi-I, tỉnh Miyazaki; 14 học viên sang du học tại Trường Đại học Minami Kyushu; 43 học viên sang làm việc tại các công ty của Nhật Bản. Cũng theo chương trình hợp tác, trong 5 năm qua, tỉnh đã cử 10 cán bộ ngành Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định sang học tập, nghiên cứu các mô hình sản xuất nông sản, mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp tại Nhật Bản. Tỉnh đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS tỉnh Nam Định”. Trong khuôn khổ đề án, đến nay đã khai giảng được 2 khóa với 138 học sinh tham gia. Đây là tiền đề quan trọng để tạo dựng lớp cán bộ có chuyên môn tốt phục vụ chương trình phát triển sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản tại các địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh ta hợp tác với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản còn phối hợp đồng nghiên cứu một số loại cây trồng để phát triển thành vùng chuyên canh tại Nam Định nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản và Việt Nam. Hiện nay, ba bên đang tập trung nghiên cứu về cây chuối tây của Nam Định. Kết quả cho thấy, cây chuối được trồng trên nền đất, bón phân hữu cơ trong nhà kính tại Trung tâm Thực nghiệm cây ăn quả tỉnh Miyazaki sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây đạt 4-5m, đường kính thân cây đạt 25-30cm, có cây đã đẻ từ 4-5 cây con, trong tổng số 12 cây, có 2 cây đã ra hoa và đang phát triển quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp của tỉnh ta và tỉnh Miyazaki đã có nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu lẫn nhau và xây dựng cơ sở hợp tác, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua Công ty Nông nghiệp Shi-I được trên 300 tấn muối sạch. 

Trong năm 2022, tỉnh Miyazaki tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Nam Định theo Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS tỉnh Nam Định”. Thời gian tới sẽ có 3 chuyên gia của JICA và 2 giáo viên Nhật Bản tình nguyện sang đào tạo cho học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Thời gian chương trình đào tạo đến năm 2024.

Xây dựng mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp 

Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp đang được triển khai tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ Trung cấp nông nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Tại đây, ngoài việc được học văn hóa, cấp bằng THPT, học sinh còn được dạy kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo công nghệ Nhật Bản, tốt nghiệp được cấp bằng Trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) và chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT). Hiện, nhà trường đã khai giảng được khoá học đầu tiên với 60 học sinh. Không chỉ có học sinh trong tỉnh, nhiều học sinh ở các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... cũng theo học. Tham gia khóa học, các em được học 8 môn văn hoá theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và môn tiếng Nhật, đồng thời được đào tạo kỹ thuật nông nghiệp. Để phù hợp với nhận thức của lứa tuổi 15-16, các chuyên gia Nhật Bản là những giáo viên có kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành trực tiếp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2023 Trường đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS; quy mô 90-100 học sinh/khóa với các ngành nghề: trồng trọt và bảo vệ thực vật; công nghệ chế biến và bảo quản nông sản; công nghệ sinh học. Từ năm 2024 trở đi sẽ đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp và các ngành nghề khác đảm bảo chất lượng cao cho học sinh sau THCS; quy mô 180-200 học sinh/khóa. Các nghề được đào tạo là: nuôi trồng thủy sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; quản lý đất đai; công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản; công nghệ sinh học. Học sinh sau khi tốt nghiệp được làm việc ngắn hạn tại các doanh nghiệp Nhật Bản; sau đó trở về nước sẽ là lao động, chuyên gia chất lượng cao có thể làm việc tại doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam… Mô hình đã góp thêm một sự lựa chọn mới phù hợp năng lực, sở trường của các em học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và nhu cầu lao động của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mở hướng tương lai…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực trồng trọt, thủy sản, chế biến nông sản; mở rộng hợp tác ngành nghề, liên kết đào tạo và tiếp nhận học sinh theo chương trình liên kết đào tạo. Tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất, ứng dụng phân hữu cơ ra các địa phương, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trong tỉnh; tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá chất lượng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản. Đẩy mạnh chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ gắn với chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản sạch có chất lượng cao của tỉnh tại Nhật Bản; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp thông qua chương trình hợp tác với Trường Đại học Minami Kyushu; hợp tác đồng nghiên cứu các gen di truyền á nhiệt đới, nghiên cứu một số loại cây trồng để phát triển vùng chuyên canh chất lượng cao tại Nam Định; tổ chức xúc tiến chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp Nam Định với doanh nghiệp tỉnh Miyazaki trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất tiêu thụ sản phẩm chuối tây. Tích cực triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp nghề nông nghiệp chất lượng cao tỉnh Nam Định”; thúc đẩy hoạt động Văn phòng xúc tiến hợp tác của tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu tại Nam Định để thực hiện hiệu quả các nội dung trong biên bản thỏa thuận đã được ký kết.

Thông qua chương trình hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp giữa tỉnh ta và các địa phương, đơn vị của Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiệu quả theo hướng bền vững, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai tỉnh nói riêng và hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com