Phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo sử dụng phân hữu cơ

08:20, 27/12/2022

Để phát triển bền vững các chuỗi sản xuất lúa gạo, thời gian qua tỉnh đã tích cực thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ mang lại hiệu quả cao, phát triển bền vững.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giống ST25 của Công ty TNHH Toản Xuân tại xã Hải Hưng (Hải Hậu) vụ mùa 2022 đạt năng suất 2,3 tạ/sào.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giống ST25 của Công ty TNHH Toản Xuân tại xã Hải Hưng (Hải Hậu) vụ mùa 2022 đạt năng suất 2,3 tạ/sào.

Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng lúa, cây màu của tỉnh ta khoảng trên 200 nghìn ha. Với nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sau gần 8 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ và hiệu quả cao. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với khả năng cung ứng 885 nghìn tấn lúa gạo; 30 nghìn tấn khoai tây; 25 nghìn tấn lạc; 6.000 tấn đậu tương; 360 nghìn tấn rau các loại; 178 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng; 270 triệu quả trứng gia cầm; 165 nghìn tấn thủy sản; 80 nghìn tấn muối… Nhờ nguồn cung ổn định, dồi dào nên các địa phương đã xây dựng, phát triển 38 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm đăng ký mã số, mã vạch nhận diện; 150 doanh nghiệp ứng dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 loại sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT), hiện nay trung bình mỗi năm người nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 165 nghìn tấn phân bón các loại, trong đó lượng phân bón vô cơ chiếm đến 94%; lượng phân bón hữu cơ chỉ có khoảng 6%, và cũng chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh và một phần phân hữu cơ khoáng. Nông dân đang lạm dụng việc bón phân vô cơ đối với đất và cây trồng. Hệ lụy là gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, ngăn cản cây trồng hấp thụ những dưỡng chất cần thiết từ đất…

Để thúc đẩy việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo cơ sở phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, thời gian qua Sở NN và PTNT đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ giúp cho cây trồng phát triển cân đối ổn định, hạn chế sự rửa trôi, xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Tiêu biểu là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân liên kết với các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và hộ nông dân trong tỉnh. Vụ xuân 2022, Công ty TNHH Toản Xuân đã liên kết với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên, xã Hải Hưng (Hải Hậu) và 4 hộ nông dân triển khai áp dụng mô hình sử dụng phân hữu cơ trên diện tích 26ha. Mô hình gieo cấy bằng giống lúa ST25 và sử dụng phân bón hữu cơ “Năm con bò”. Theo ông Vũ Trọng Huân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên cho biết: “Kết quả lúa được bón bằng phân hữu cơ cho thấy lúa chín đều, năng suất tăng từ 10-15% so với diện tích đối chứng và quan trọng nhất là chất lượng gạo thơm ngon hơn; cần tiếp tục nhân rộng trong những vụ tiếp theo”. Là đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm phân hữu cơ “Năm con bò”, thời gian qua Công ty TNHH Toản Xuân đã tích cực khảo nghiệm và áp dụng thành công trong vụ mùa năm 2022. Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân, Nguyễn Văn Toản cho biết: Hiện, Công ty đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sử dụng phân bón hữu cơ này cho toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Công ty với hơn 30 HTX và hộ nông dân trong tỉnh.

Đánh giá về hiệu quả mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho rằng: “Đây là mô hình điển hình, qua việc sử dụng phân hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo và từng bước cải tạo đất, làm cho đất ngày càng tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn. Hy vọng trong những vụ tới, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty TNHH Toản Xuân tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững lúa gạo chất lượng cao tại Nam Định gắn liền sử dụng phân bón hữu cơ” tại xã Hải Hưng nhằm đánh giá cụ thể hiệu quả việc sử dụng phân bón hữu cơ “Năm con bò” trong trồng lúa để tạo cơ sở khuyến cáo nhân rộng mô hình ngay trong vụ xuân 2023”.

Mô hình phát triển bền vững lúa gạo chất lượng cao sử dụng phân bón hữu cơ là bước vận động tích cực cho quá trình chuyển đổi sử dụng phân bón cân đối, hợp lý hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần thực hiện tốt kế hoạch về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của UBND tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com